Sắc màu miền Tây trong tranh Đặng Quang Tiến

Triển lãm “Nhiệt” vừa diễn ra tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San (phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) trưng bày loạt tranh của 4 họa sĩ với 4 phong cách khác nhau.
0:00 / 0:00
0:00
Tranh của họa sĩ Đặng Quang Tiến trong triển lãm “Nhiệt”.
Tranh của họa sĩ Đặng Quang Tiến trong triển lãm “Nhiệt”.

Trong đó, 6 tác phẩm triển lãm của họa sĩ trẻ Đặng Quang Tiến đã thổi vào không khí đô thị một hơi thở dịu dàng từ cảnh sắc của miền Tây dung dị.

Đặng Quang Tiến sinh ra và lớn lên tại tỉnh Bến Tre. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh tình nguyện đăng ký nhập ngũ. Sau khi xuất ngũ, Quang Tiến bắt đầu ôn tập và luyện thi vào Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về cơ duyên này, họa sĩ Đặng Quang Tiến cho biết, anh thích vẽ từ nhỏ, nhưng không nghĩ có ngày mình sẽ đăng ký vào Trường đại học Mỹ thuật. Tốt nghiệp năm 2019, Quang Tiến chính thức bước vào con đường trở thành một họa sĩ theo phong cách tả thực. Những tác phẩm ban đầu của anh thường mang chủ đề về nhịp sống thành phố. Những chiếc xe đạp, xích-lô mỏng manh của những người lao động mưu sinh bằng nghề bán hàng rong, thu mua ve chai đi vào tranh của Tiến với những nét chấm phá tươi mới.

Bằng chất liệu mầu nước, tranh của Đặng Quang Tiến trong giai đoạn này, người xem cảm nhận một sự nhẹ nhàng, dễ chịu khi nhìn những cánh chim câu bay lên, những chiếc lá vàng vừa rụng, một ly trà đá trưa hè, hay những cánh hoa rụng trong giỏ xe của người lao động nghèo. Người xem như thấy được một nhịp sống khác, chậm rãi, lắng đọng hơn bên sự ồn ào, náo nhiệt ở thành phố sầm uất nhất nước ta.

Nhưng rồi bước ngoặt trong nghề của Đặng Quang Tiến đã đến khi dịch Covid-19 xảy ra. Trong những ngày giãn cách không thể ra đường, nỗi nhớ quê nhà, những cánh đồng miền Tây bạt ngàn hương lúa cứ ám ảnh trong anh. “Nó đã buộc tôi ngồi vào vẽ những cảnh sắc miền Tây quê mình như một cách giải tỏa nỗi nhớ nhà”. Không còn nhịp sống phố thị, thay vào đó là những phong cảnh “rặt miền Tây Nam Bộ” lần lượt xuất hiện trong tranh của họa sĩ Đặng Quang Tiến.

Bắt đầu từ “Chạy đồng”, một tác phẩm vẽ cảnh đàn vịt kiếm ăn trên những ruộng lúa vừa gặt xong, Đặng Quang Tiến dành vài năm để hoàn thành một loạt tranh về vùng đất Nam Bộ đã gắn bó máu thịt với anh: “Bên rặng dừa nước”, “Chiều phương Nam”, “Màu phù sa”, “Mùa vàng”... Với 6 bức tranh trong triển lãm “Nhiệt” vừa qua, người thưởng lãm nhìn thấy những tác phẩm của anh đều được đặt tên “Chiều quê”, phủ lên loạt tranh là một thứ ánh nắng chiều vàng vọt, gây thương nhớ cho những con người tha hương.

Ở Đặng Quang Tiến, tình cảm dành cho miền Tây Nam Bộ còn hơn cả tình yêu, trở thành sự si mê với mảnh đất lênh đênh sóng nước đã nuôi dưỡng cả một nền văn hóa đậm đặc. Đặng Quang Tiến tâm sự rằng anh đã đi nhiều nơi, vẽ nhiều chủ đề trước khi tái khám phá quê hương của mình và chọn gắn bó với đề tài này. “Khi về miền Tây để tìm tư liệu sáng tác, tôi càng nhận ra mình yêu mến vùng sông nước quê hương. Không chỉ là ruộng vườn, mà cả những ngôi nhà cổ, chùa Khmer, chi tiết trên bình gốm cũng làm tôi nhận ra nét văn hóa cô đặc của đất Nam Bộ” - người họa sĩ trẻ gốc Bến Tre tâm sự.

Một trong những tác phẩm tâm huyết nhất, dài đến hơn 7m của Đặng Quang Tiến được đặt tên “Cánh đồng bất tận” được gợi cảm hứng từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Tác phẩm của anh cũng khiến người xem dâng lên nỗi buồn man mác khi nhìn xã hội loài vịt vất vả kiếm ăn xuôi ngược. Có một họa sĩ chia sẻ rằng, đối với Đặng Quang Tiến, tình cảm dành cho quê hương của anh không hẳn là “yêu” mà chính xác hơn phải là “si mê”, dành toàn tâm toàn ý cho chủ đề miền Tây mà anh theo đuổi.

Một số họa sĩ khác thích lang thang, yêu phong cảnh hữu tình ở nơi mình đặt chân đến và dâng cảm hứng sáng tác. Đặng Quang Tiến là một trường hợp khác, bạn mê mẩn vùng đất sinh ra mình và quyết định dành sự chung thủy cho nó. Chọn đề tài này, Tiến cũng tự đưa bản thân vào thế khó, thực tế những bức tranh khổ lớn mới cho thấy trọn vẹn cái không gian rộng lớn của đàn vịt chạy đồng, mới ra chất miền Tây.

Nhưng vẽ tranh lớn lại là một rủi ro của họa sĩ khi những bức tranh có khổ lớn có thể làm cho các nhà sưu tập “ngần ngại” mua tranh. Nhưng qua đó, người yêu tranh mới thấy được họa sĩ Đặng Quang Tiến thật sự say đắm quê hương của mình, chấp nhận cả những khó khăn và dày công đến vậy để theo đuổi đề tài này.

Gặp họa sĩ Đặng Quang Tiến trong buổi khai mạc triển lãm “Nhiệt” vào tháng 3 vừa qua, anh chia sẻ, có thể anh sẽ tạm dừng chủ đề về cánh đồng miền Tây để tiếp tục khám phá khả năng của mình ở đề tài khác, với chất liệu khác. Và mỗi ngày, người họa sĩ trẻ này vẫn tiếp tục tìm tòi, sáng tạo ra những tác phẩm mới bằng niềm đam mê mãnh liệt để từng bước khẳng định phong cách, tên tuổi của mình trong giới hội họa thành phố.