Những khu dân cư xanh

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã công nhận 264 phường, xã, thị trấn đạt tiêu chí “Phường, xã, thị trấn sạch, xanh và thân thiện với môi trường” cấp huyện và 223 khu dân cư đoàn kết-nghĩa tình - tự quản. Để phát huy và nhân rộng những kết quả này, nhiều địa phương, đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Một bức tường ở Phường 13, quận Phú Nhuận được vẽ trang trí.
Một bức tường ở Phường 13, quận Phú Nhuận được vẽ trang trí.

Góp phần giúp thành phố xanh hơn

Tại Quận 7, các cơ quan, đơn vị đã có cách phối hợp hiệu quả để xây dựng và phát huy các mô hình về bảo đảm an ninh, trật tự. Thượng tá Võ Văn Sơn, Phó trưởng Công an Quận 7 cho biết, Công an quận phối hợp Mặt trận Tổ quốc Quận 7 triển khai các mô hình tự quản tại cộng đồng dân cư; xóa nạn tín dụng đen; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc,... các khu phố xây dựng mô hình phòng chống tội phạm, khu phố an toàn; mô hình “Camera giám sát an ninh trật tự”, “Nhóm hộ, tổ dân phố tự quản về an ninh trật tự”, “Nhà trọ tự quản”,...

Nhìn chung, các mô hình đã góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong bảo đảm an ninh, trật tự; chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực an ninh, trật tự, tạo chuyển biến quan trọng trong nhận thức của người dân về trách nhiệm phòng chống tội phạm.

Công an phường đã gắn camera tại 125 đầu thu với 1.656 mắt camera, 59 màn hình; 10 mô hình “Nhánh hẻm tự quản về an ninh trật tự” đang hoạt động có hiệu quả khi trực tiếp cung cấp 351 tin báo liên quan đến an ninh, trật tự.

Xác định việc xây dựng điểm sinh hoạt, khu vui chơi cho thanh thiếu nhi là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, hơn hai năm qua, Ban Công tác Mặt trận Khu phố 5, Phường 4, Quận 6 đã duy trì công trình “Xây dựng khu vui chơi cho thanh thiếu nhi”.

Đây là công trình tiêu biểu trên địa bàn quận khi nó được hình thành từ sự đóng góp ngày công, kinh phí của người dân. Đáng nói, địa điểm này trước đây là bãi đất trống bị người dân lấn chiếm, đổ trộm rác thải. Đây là công trình nhằm góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thiếu niên, nhi đồng, giúp các em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 11 khẳng định “Tiếp tục phát triển xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng đô thị xanh, văn minh, đẩy mạnh chỉnh trang và phát triển đô thị, đẩy nhanh phát triển hạ tầng xã hội, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả công tác giảm ngập nước, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện các chương trình bảo đảm vệ sinh môi trường, phát triển mảng xanh đô thị, năng lượng xanh, giao thông xanh, tiến đến xây dựng hoàn thiện hạ tầng xanh”.

Cụ thể hóa nội dung này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố triển khai xây dựng khu dân cư sạch, xanh và thân thiện môi trường giai đoạn 2022-2024 với các nhóm giải pháp như: Nhóm giải pháp tuyên truyền; nhóm giải pháp khuyến khích, huy động nguồn lực; nhóm giải pháp kiểm tra, giám sát, qua đó đã nhận được sự chỉ đạo, lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, địa phương.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Minh Tuấn, đến nay thành phố đã xây dựng và ra quyết định công nhận 1.722 khu dân cư đạt tiêu chí “Khu dân cư sạch, xanh, thân thiện với môi trường”, công nhận 264 phường, xã, thị trấn đạt tiêu chí “Phường, xã, thị trấn sạch, xanh và thân thiện với môi trường” cấp huyện và 223 khu dân cư đoàn kết-nghĩa tình-tự quản.

Khắc phục những bất cập, hạn chế

Là một đô thị đặc biệt với tốc độ đô thị hóa nhanh, thời gian qua, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự,… luôn là một trong những vấn đề rất quan trọng đối với Thành phố Hồ Chí Minh. Đi dọc nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố, nhất là ở các khu vực ngoại thành, dân cư ít sinh sống, không khó để bắt gặp những bãi rác lộ thiên đã tồn tại nhiều năm.

Đáng nói là rất nhiều bãi rác tự phát ở nơi công cộng đều có cắm biển “Cấm đổ rác” kèm các mức phạt theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, biển cấm gần như không có tác dụng đối với những người có ý định đổ rác thải trộm ra đường. Tại nhiều tuyến kênh, rạch trong khu dân cư, rác thải cũng là vấn nạn khiến đời sống của người dân bị tác động nghiêm trọng. Nhiều tuyến kênh ngập ngụa rác tồn tại qua nhiều năm đã làm môi trường bị ô nhiễm nặng nề.

Nhằm chung tay bảo vệ môi trường, ngày 19/10/2018, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh, rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Sau gần sáu năm triển khai, cuộc vận động đã tạo ra những chuyển biến cụ thể trong công tác này, nhất là ở các khu dân cư khi hàng nghìn mô hình hay được hình thành.

Tuy vậy, quá trình thực hiện, tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Đơn cử việc thực hiện chỉ thị còn chưa bền vững, thời gian đầu khá tích cực nhưng càng về sau càng có dấu hiệu “bão hòa”; ý thức của người dân có chuyển biến nhưng gần như chưa thay đổi hành vi nên hiện tượng xả rác ở nơi công cộng, trên kênh, rạch vẫn diễn ra.

Các hoạt động này chưa thật sự có chiều sâu và chưa tác động rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân. Tại nhiều khu phố, lực lượng quét dọn vệ sinh, trồng cây xanh gần như chỉ có các lực lượng nòng cốt tham gia; ở những địa bàn có kênh, rạch chảy qua, rác từ nơi khác trôi về chậm được thu gom cũng phần nào làm giảm quyết tâm của các đoàn thể tại địa phương;...

Thành phố đang nỗ lực xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, thông minh nên việc trước tiên phải giải quyết căn cơ và có hiệu quả vấn đề vệ sinh môi trường. Đó là khắc phục nạn xả rác bừa bãi nơi công cộng và trên kênh, rạch. Trong vấn đề này, cán bộ, đảng viên phải thật sự gương mẫu, đi đầu trong chuyển biến nhận thức và có hành động cụ thể.