Khoa học-công nghệ, nền tảng cho sự phát triển

Bằng nhiều chính sách hỗ trợ, đến nay, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành “trụ cột” trong tăng trưởng kinh tế-xã hội theo hướng bền vững. Đây được xem là tiền đề quan trọng giúp thành phố tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.
0:00 / 0:00
0:00
Công viên phần mềm Quang Trung (Thành phố Hồ Chí Minh) đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao năng lực quản trị.
Công viên phần mềm Quang Trung (Thành phố Hồ Chí Minh) đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao năng lực quản trị.

Tiếp tục triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học-công nghệ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025, Sở Khoa học và Công nghệ tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm xây dựng thành phố thông minh, phục vụ chương trình chuyển đổi số của thành phố và các ngành công nghiệp chủ lực.

Đồng thời, thành phố cũng triển khai các giải pháp thúc đẩy các thành phần xã hội tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững.

Tính đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố ngày càng thu hút nhiều hơn các nguồn lực xã hội và giữ vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng của thành phố.

Năm 2024, địa phương này tăng ba bậc so với năm 2023 về xếp hạng các thành phố có chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu, từ thứ hạng 114 lên 111.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng có mặt trong tốp 100 thành phố toàn cầu về bốn lĩnh vực: Fintech (công nghệ tài chính), thứ 54; Edtech (công nghệ giáo dục) thứ 62; thương mại điện tử và bán lẻ, thứ 71; giao thông vận tải, thứ 87. Trong lĩnh vực chuỗi khối (Blockchain), thành phố đứng vị trí thứ 2 ở Đông Nam Á.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng thứ ba tại Đông Nam Á về giá trị hệ sinh thái khởi nghiệp với tác động kinh tế lên đến 5,22 tỷ USD, sau các thành phố Singapore (Singapore) và Jakarta (Indonesia).

Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố ước tính hơn 2.200 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ khoảng 50% so với cả nước; trong đó, số doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm tới hơn 65%.

Thành phố đã hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho hơn 5.000 doanh nghiệp, đạt 169% so với chỉ tiêu của cả giai đoạn 2021-2025 (chỉ tiêu giai đoạn này đề ra là 3.000 doanh nghiệp); hỗ trợ ươm tạo, phát triển gần 700 dự án, đạt 69,3% so với chỉ tiêu của cả giai đoạn 2021-2025 (1.000 dự án); hỗ trợ 236 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, đạt 236% so với chỉ tiêu của cả giai đoạn 2021-2025 (100 doanh nghiệp).

Ông Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nhờ cơ chế, chính sách về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng hoàn thiện, đã góp phần quan trọng giúp thành phố trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao công nghệ của khu vực phía nam nói riêng và cả nước nói chung.

Với phương châm lấy khoa học-công nghệ làm động lực tăng trưởng mới, Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đưa kinh tế số đóng góp khoảng 40% trong GRDP của thành phố; có 5 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp.

Thành phố cũng phấn đấu đến năm 2030 đưa số lượng công bố quốc tế về khoa học-công nghệ tăng khoảng hai lần so với năm 2020. Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm. Tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm trở lên...

Để thực hiện mục tiêu này, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng mạng lưới tổ chức khoa học-công nghệ theo hướng mở, linh hoạt, có quy mô và cơ cấu phù hợp để xây dựng các trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế. Đây là các đơn vị đóng vai trò dẫn dắt khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm.

Ngoài ra, thành phố cũng tập trung hỗ trợ một số viện nghiên cứu để trở thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo phục vụ cho các ưu tiên phát triển kinh tế, kỹ thuật của thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Song song đó, thành phố cũng đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo bằng các giải pháp hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực trọng điểm; tổ chức kết nối các nhóm nghiên cứu trong nước với các tổ chức khoa học-công nghệ quốc tế; ưu tiên triển khai các nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học-công nghệ nhằm đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, các hoạt động kết nối đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, thành phố hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng về huấn luyện, hoàn thiện công nghệ, sản phẩm, tìm kiếm thị trường ở nước ngoài; tổ chức, hoặc hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia các hoạt động, sự kiện quốc tế...

Theo các chuyên gia, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra đồng bộ các giải pháp để phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, thành phố cần chú trọng vào khâu đào tạo và thu hút các nhà khoa học, đội ngũ trí thức.

Đây là vấn đề luôn được thành phố quan tâm và đã ban hành nhiều chính sách liên quan nhưng kết quả mang lại chưa được như kỳ vọng. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Các đơn vị liên quan cần đánh giá một cách nghiêm túc về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực khoa học-công nghệ của thành phố.

Thành phố nên chú trọng đào tạo có trọng tâm, trọng điểm, theo ngành nghề ưu tiên để khắc phục nhược điểm có những ngành công nghệ cao cần phát triển nhưng lại không có nguồn nhân lực tương xứng.