Nắm cơ hội phát triển tài chính xanh

Thị trường tài chính Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên trong xu thế hội nhập và phát triển kinh tế xanh, việc phát triển tài chính xanh, tài chính bền vững đặt ra những cơ hội và thách thức mới đối với hệ thống tài chính của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Nam A Bank cung cấp các gói tín dụng xanh phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Nam A Bank cung cấp các gói tín dụng xanh phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Chia sẻ về tài chính xanh, tài chính số, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nêu thực trạng đáng lo ngại: Tài chính xanh, tài chính số của Việt Nam vẫn đang tụt hậu so với thế giới và khu vực. Hiện, các quốc gia Đông Nam Á đã ban hành khung pháp lý chính thức cấp phép cho tài chính số, ngân hàng số, trong khi Việt Nam vẫn còn thiếu. Đặc biệt, về trung hạn, Việt Nam cần vốn xanh nhưng chưa có nguồn vốn xanh để cho vay, doanh nghiệp phải tìm đến vốn từ thị trường quốc tế. Lý do là vốn xanh thường có tỷ suất sinh lợi thấp hơn, trong khi Việt Nam chưa quen chấp nhận điều này.

Phân tích về tín dụng xanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tín dụng xanh hiện vẫn ở mức khiêm tốn, chỉ khoảng 4,5%-5% so với tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng gần đây khá tốt, luôn tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung tín dụng của ngành. “Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh gần đây rất tốt do đang chịu áp lực lớn về phát triển tín dụng xanh, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và Mỹ đang bắt đầu quan tâm đến yếu tố xuất xứ xanh. Đó là động lực phát triển tín dụng xanh và trở thành ngành lõi của các ngân hàng”, ông Nguyễn Đức Lệnh tin tưởng.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, phát triển kinh tế bền vững cần phải đi cùng quá trình chuyển đổi kinh tế xanh-số-tuần hoàn. Trên cơ sở chương trình hành động của Chính phủ, nhất là Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng các chương trình hành động của ngành ngân hàng về phát triển kinh tế xanh; nhận thức của cán bộ ngân hàng về ngân hàng xanh, kinh tế xanh, tín dụng xanh đã được nâng cao. Ở góc độ thực thi, các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh cho vay tín dụng xanh các dự án xanh như năng lượng xanh, nông nghiệp xanh, hoạt động tạo ra các sản phẩm xanh...

Xu thế phát triển kinh tế xanh để bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững đang đặt ra yêu cầu phải có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất xanh, từ đó phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính xanh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Kiều Lan Phương (Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển bền vững, Trường đại học Nguyễn Tất Thành), doanh nghiệp nên đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh hoặc phát triển sản phẩm có tính thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp mà còn có thể tạo ra doanh thu bền vững và thúc đẩy sự phát triển kinh doanh. Hơn nữa, Chính phủ cần hướng doanh nghiệp trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp xanh, thay vì tập trung quá mức vào tăng trưởng GDP. Cần ban hành các quy định bắt buộc các công nghệ tài chính (Fintech) như: Momo, VNPay, Finhay…, đồng thời phải có công cụ đo lường mức độ phát thải carbon, có chính sách/công cụ hỗ trợ người dùng hoán đổi lượng khí thải carbon tiết kiệm được thành các voucher/code khuyến mãi…

Tiến sĩ Nguyễn Kiều Lan Phương cho rằng, Chính phủ cần thúc đẩy các chính sách thuế và phát hành trái phiếu xanh để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp giảm đến mức thấp nhất lượng phát thải carbon. Hướng dẫn người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng nhằm tăng thu nhập cho các hộ gia đình thông qua hệ thống bán tín chỉ carbon. Đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp dễ dàng tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các chính sách phát triển kinh tế xanh, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Cụ thể, ngành ngân hàng đã xây dựng chương trình hành động để thực hiện các đề án quốc gia về phát triển kinh tế xanh, tài chính xanh; ban hành sổ tay tín dụng xanh quy định về quản trị rủi ro môi trường đối với hoạt động cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng đã và đang phát triển hai hướng để thực hiện chính sách phát triển kinh tế xanh. Một là, thúc đẩy cho vay các dự án xanh, cụ thể là các dự án năng lượng xanh, năng lượng sạch, lĩnh vực nông nghiệp sạch. Hai là, đưa ra các sản phẩm, dịch vụ tài chính xanh. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách phát triển kinh tế xanh của ngành ngân hàng theo các yếu tố: Nâng cao nhận thức của cán bộ ngân hàng về kinh tế xanh, ngân hàng xanh; khuyến khích các ngân hàng thương mại phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính xanh; tạo ra môi trường pháp lý cho hoạt động phát triển kinh tế xanh để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam ■