Các địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Cùng với quận Gò Vấp, quận Bình Tân cũng đang chạy nước rút, nỗ lực đưa hơn 200 phòng học thuộc các dự án xây dựng trường học trên địa bàn quận vào hoạt động đúng dịp khai giảng năm học mới. Đây là hai trong số các địa phương có cách làm hay, hiệu quả trong giải ngân vốn đầu tư công của thành phố, qua đó góp phần cải thiện đời sống dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội trên mọi mặt...
0:00 / 0:00
0:00
Trường THCS Bình Trị Đông B, quận Bình Tân có quy mô 36 phòng học và các công trình phụ trợ, phấn đấu đưa vào sử dụng đúng dịp năm học mới 2024-2025.
Trường THCS Bình Trị Đông B, quận Bình Tân có quy mô 36 phòng học và các công trình phụ trợ, phấn đấu đưa vào sử dụng đúng dịp năm học mới 2024-2025.

Bất chấp cái nắng như đổ lửa, những hộ dân còn lại dọc tuyến đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) vẫn hối hả tháo dỡ nhà để nhường mặt bằng cho dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường này. Ông Trần Thanh Toàn (63 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết, nhà của ông thuộc diện bị giải tỏa trắng và được bồi thường khoảng 2,1 tỷ đồng. Dù tiền đền bù không thể bằng được giá thị trường nhưng ông vẫn chấp nhận tháo dỡ nhà cửa để nhường mặt bằng cho dự án. Ông cho rằng đây là lợi ích chung của quận, của thành phố nên không thể chần chừ và bởi nếu chậm thì xem như vốn ngân sách chậm được giải ngân. Ông Toàn cũng như nhiều hộ dân thuộc dự án đều mong mỏi tuyến đường Dương Quảng Hàm sớm được mở rộng để giảm kẹt xe, tạo điều kiện để người dân kinh doanh thuận lợi hơn. Một khi con đường được mở rộng, kinh tế thành phố sẽ có cơ hội phát triển thêm.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp, dự án mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm lên 32m với 6 làn xe có tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng, với chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 1.546 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, có 366 trường hợp giải tỏa một phần, 56 trường hợp giải tỏa toàn bộ. Hiện nay, quận đã chi trả bồi thường hơn 1.500 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 99%. Việc người dân đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng đã tạo điều kiện cho việc thi công, sớm hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng, nghĩa là vốn sẽ được giải ngân đúng kế hoạch.

Quận Gò Vấp là địa phương điển hình trong giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Cùng với dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm, năm 2024, quận Gò Vấp có gần 30 dự án đang triển khai, dự án nào cũng có tiến độ giải ngân tốt. Ông Nguyễn Trí Dũng chia sẻ: “Tiến độ giải phóng mặt bằng là yếu tố then chốt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh chính sách bồi thường tốt, quận cũng hỗ trợ về thủ tục, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Điều đó đã giúp người dân yên tâm, đồng thuận bàn giao mặt bằng sớm”. Trên cơ sở dự toán được giao, quận Gò Vấp thành lập các tổ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án do quận làm chủ đầu tư và các dự án trọng điểm khác đang triển khai trên địa bàn quận. Lãnh đạo quận cũng chủ động báo cáo đề xuất thành phố xem xét, điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án, công trình.

Tương tự, quận Bình Tân cũng vừa được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi vì đạt thành tích cao trong giải ngân vốn đầu tư công. Một trong số các dự án đầu tư được quận này ưu tiên thực hiện là các dự án xây dựng mới trường học, nhằm đáp ứng chỉ tiêu phòng học trên số dân cũng như nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Là công trình đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thiện cho kịp năm học mới 2024-2025, Trường THCS Bình Trị Đông B (quận Bình Tân) đạt tiến độ hơn 97%, chỉ còn khâu hoàn thiện, lắp đặt thiết bị, trồng cây xanh. Ban quản lý dự án quận Bình Tân cho hay, sau khi nhận bàn giao mặt bằng từ địa phương, công trình chỉ mất hơn sáu tháng thi công với khối lượng xây dựng hơn 14.000 m2. Theo chủ đầu tư, công trình có kinh phí đầu tư gần 276,5 tỷ đồng, quy mô hai khối phòng với 36 phòng học, sẽ đón nhận học sinh trên địa bàn phường và quận cho năm học mới. Công trình này là một trong tám công trình đầu tư xây mới trường học trên địa bàn quận, trong đó có bảy công trình được đưa vào hoạt động trong năm học mới 2024-2025 với tổng số 235 phòng học có tổng nguồn vốn đầu tư 1.422 tỷ đồng.

Ông Vũ Chí Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân cho biết, năm 2024, quận được bố trí vốn cho 40 dự án với tổng vốn 3.220 tỷ đồng. Đến giữa tháng 7 quận đã giải ngân 2.304,409 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 71,56% kế hoạch vốn dự kiến được thành phố giao. Ngoài việc ưu tiên đầu tư, giải ngân vốn cho các công trình xây dựng trường học, quận đã hoàn thành 10 dự án bồi thường, thu hồi đất, bàn giao mặt bằng các công trình công cộng. Đồng thời, quận tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai hai công trình trọng điểm là: dự án di dời Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (40,69 ha) và dự án Khu trung tâm dân cư Tân Tạo (475 ha).

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân Vũ Chí Kiên, bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác sử dụng nguồn vốn đầu tư công là quận đã chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết giải ngân hằng tháng cho từng dự án. Qua đó, tùy theo pháp lý từng dự án mà các chủ đầu tư đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch sát với thực tế để thực hiện và cũng là cơ sở để quận kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai nhằm bảo đảm tiến độ giải ngân theo chỉ đạo của thành phố. Bên cạnh đó, Quận ủy cũng thành lập các tổ công tác do các đồng chí trong Ban Thường vụ làm tổ trưởng để theo dõi, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án, nhất là công tác vận động người dân bàn giao mặt bằng đối với các dự án phải thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. “Quận Bình Tân luôn đặt nhiệm vụ đầu tư công lên hàng đầu. Trong những tháng còn lại của năm 2024, Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm đến tháng 12/2024 tỷ lệ giải ngân đạt hơn 95%”, ông Kiên khẳng định.

Đánh giá về kết quả đạt được của các thành phố, quận, huyện trong giải ngân vốn đầu tư công, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đóng góp của các địa phương này vào sự phát triển chung của thành phố không chỉ dừng lại ở những con số, mà còn thể hiện ở sự quyết liệt, chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nhất là sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả với sở, ngành để kịp thời đề xuất, kiến nghị, đeo bám từng nội dung, từng dự án cụ thể trong khâu tổ chức thực hiện. Đây chính là nội dung, là tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mà thành phố đang kỳ vọng ở các địa phương ■