Trong đó, những chỉ tiêu liên quan trực tiếp lực lượng nhân sự như: Tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt hơn 2%, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt hơn 70%... cùng những yêu cầu về an ninh mạng đòi hỏi thành phố phải có nguồn nhân lực phù hợp rất lớn. Và nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số là bài toán lớn của thành phố.
Những năm qua, cấp thành phố và các quận, huyện đã tổ chức nhiều khóa, lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhưng kết quả chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nguồn nhân lực cho chuyển đổi số vẫn rất thiếu ở các cấp, từ cơ sở đến quận, huyện, sở, ngành. Đến nay, không ít quận, huyện, sở, ngành chỉ có từ một đến ba nhân lực phụ trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin... Không những vậy, hiện còn khá nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số vì thiếu nhân lực có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, phần lớn các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số ở thành phố hiện nay đều chưa toàn diện và tổng quát, chưa cụ thể và phù hợp từng đối tượng tham gia. Hệ quả là phần lớn cán bộ, công chức, viên chức chưa hiểu rõ, chưa nắm bắt được hết các yêu cầu về chuyển đổi số trong công việc của mình.
Còn với cộng đồng doanh nghiệp, dù biết chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi số thành công có thể giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, mở rộng thị phần, tăng doanh thu, nâng cao năng lực cạnh tranh... nhưng không dễ thực hiện.
Vấn đề nan giải hàng đầu là nguồn tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng (máy móc, thiết bị, công nghệ…). Bài toán khó không kém nữa là lực lượng nhân sự để vận hành hệ sinh thái số mà doanh nghiệp (đã hoặc sẽ) xây dựng, thiết lập. Theo một khảo sát mới đây, chỉ có khoảng 30% số nhân sự đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế của doanh nghiệp.
Phần lớn nhân lực yếu kém về kiến thức, kỹ năng làm chủ các công nghệ đặc trưng của chuyển đổi số (trí tuệ nhân tạo-AI, khoa học dữ liệu, tự động hóa, blockchain-công nghệ chuỗi). Nguyên nhân hàng đầu là công tác đào tạo chưa thật sự bài bản, chuyên sâu đúng nghĩa.
Với thực tế đó, để có thể đạt được những mục tiêu đề ra, thành phố cần tăng cường hơn nữa việc triển khai các khóa, lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số; nhất là với lực lượng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị nhà nước ở tất cả các cấp, sở, ngành.
Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ số, phân tích và khai thác dữ liệu để ra quyết định; quan tâm hơn nữa nhân sự phục vụ công tác bảo mật và an ninh mạng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phải có tư duy đổi mới, cầu tiến, sáng tạo, linh hoạt, không ngừng học tập và rèn luyện.
Chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh việc tập huấn, hướng dẫn kỹ năng số cho người dân, để người dân biết sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các nền tảng số, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng thông qua việc phát huy hiệu quả của các tổ chuyển đổi số cộng đồng.
Về lâu dài, thành phố cần đưa kỹ năng số, trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, từ các bậc học trung học. Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường, trung tâm dạy nghề cần nâng cao chất lượng đào tạo các ngành kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo, và gắn chặt chẽ hơn với nhu cầu thực tế.
Thành phố cần mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực chuyển đổi số; tăng cường thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt để phục vụ cho các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội nói chung và tham gia đào tạo nhân lực nói riêng.