Doanh nghiệp trông chờ được thu mua điện mái nhà

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp đều đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà hướng đến mục tiêu giảm phát thải, đáp ứng yêu cầu chứng chỉ xanh từ các thị trường xuất khẩu khắt khe, qua đó tiết kiệm chi phí sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống điện mái nhà tại khu vực nhà xưởng của Công ty TNHH Juki Việt Nam, Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7 giúp giảm phát thải và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Hệ thống điện mái nhà tại khu vực nhà xưởng của Công ty TNHH Juki Việt Nam, Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7 giúp giảm phát thải và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những vướng mắc kéo dài về chính sách thu mua điện của bộ, ngành, Trung ương chưa được giải quyết khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng lãng phí lớn nguồn điện tái tạo trong khi chi phí đầu tư của doanh nghiệp không nhỏ.

Không bán được, cũng không thể tích trữ

Là doanh nghiệp FDI đóng tại Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, Công ty TNHH Juki Việt Nam đầu tư hai hệ thống điện mái nhà phục vụ nhu cầu sản xuất cũng như đáp ứng yêu cầu chứng chỉ xanh đặt ra đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đó, một hệ thống đã được ngành điện thu mua phần dôi dư, hệ thống còn lại vướng quy định về thu mua điện nên “nằm chờ” gây lãng phí kinh phí đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Thái, Tổng Quản đốc phụ trách môi trường-năng lượng của công ty cho biết: Hiện công ty có hai hệ thống điện năng lượng áp mái, mỗi hệ thống có công suất 1 MWp. Công ty đầu tư hai hệ thống khoảng 35 tỷ đồng (từ 15-20 tỷ đồng/một hệ thống).

Trong đó, một hệ thống được đầu tư vào năm 2020 lúc Nhà nước có chính sách mua điện mái nhà của doanh nghiệp nên sau khi phục vụ sản xuất còn dư, điện dư thừa bán lại cho điện lực. Hệ thống còn lại đầu tư vào năm 2023 lúc Nhà nước không còn cơ chế thu mua điện nên phần thừa đẩy lên mạng lưới của điện lực nhưng không thu tiền. Do đó, sản lượng điện dôi dư vừa không bán được vừa không thể tích trữ.

Công ty tính toán, mỗi hệ thống trong một năm phát ra hơn một triệu MWp (trung bình mỗi tháng hơn 100.000 KWp), xấp xỉ 2,5 triệu MWp cho hai hệ thống mỗi năm. Do đó, việc đầu tư hệ thống điện mái nhà đã giúp cho công ty có nguồn điện sử dụng, tiết kiệm chi phí. Trung bình mỗi tháng công ty tiết kiệm được 350 triệu đồng.

Ông Thái chia sẻ: “Kinh phí đầu tư một hệ thống rất tốn kém, trong đó mục đích chính đầu tư là phục vụ sản xuất. Ngoài ra, đây là doanh nghiệp FDI, tiêu chí xuất khẩu hàng hóa phải có chứng chỉ xanh khi tham gia thị trường xuất khẩu đến châu Âu và các nước trên thế giới cho nên việc đầu tư hệ thống điện áp mái là nhu cầu cấp thiết để giảm phát thải khí các-bon”.

Tuy nhiên, cũng như Công ty Juki, nhiều công ty có hệ thống điện áp mái hoạt động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đều đối diện với thực tế nếu không sử dụng hết nguồn điện tái tạo sẽ gây ra lãng phí lớn, trong khi doanh nghiệp phải đi mua điện của Nhà nước do điện năng lượng có tính chất không ổn định, khi không sử dụng phải có thiết bị tích trữ.

Do chính sách về thu mua điện chậm được tháo gỡ dẫn đến lãng phí nguồn điện tái tạo rất lớn, tác động đến nhà đầu tư cũng như thiệt thòi cho Nhà nước. Thực tế quá trình thực hiện dự án điện năng lượng còn nhiều vướng mắc, chồng chéo, thủ tục triển khai dự án phức tạp, thiếu các cơ chế đặc thù cho phát triển ngành điện - ngành cơ sở hạ tầng quan trọng.

Tính đầu ra cho điện mái nhà

Theo Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019, năm 2020 là thời kỳ cao điểm đầu tư điện áp mái. Tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố, các doanh nghiệp đã lắp đặt 80 đến 90 MWp. Tuy nhiên, sau đợt dịch Covid-19 và đặc biệt gần đây với những quy định chưa rõ ràng, nhất là việc Nhà nước ngưng mua điện đã khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư và đầu ra cho điện mái nhà.

Theo ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh: Việc lắp đặt điện mái nhà trên các nhà, xưởng của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh là nhu cầu bức thiết phục vụ sản xuất. Hệ thống điện năng lượng đã giúp giảm chi phí, đồng thời là điều kiện quan trọng đối với các doanh nghiệp có liên quan xuất khẩu một số ngành hàng như việc cung cấp chứng chỉ xanh theo yêu cầu của các nước châu Âu, Mỹ.

Khi Chính phủ có chủ trương khuyến khích sử dụng điện năng lượng, điện tái tạo, trong đó có điện mái nhà thì các doanh nghiệp rất quan tâm. Vừa qua, Bộ Công thương chỉ mới lấy ý kiến việc lắp đặt đối với mái nhà dân, cơ quan, còn mái nhà xưởng trong khu chế xuất, khu công nghiệp chưa có hướng dẫn. Cũng theo ông Đức, đối với doanh nghiệp sản xuất, nhất là doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn về kinh tế thì điện áp mái đã giúp họ giảm 1/3 chi phí về sử dụng điện nên việc Nhà nước chậm có chính sách mua điện ngày nào thì doanh nghiệp càng áp lực ngày đó.

Ban Giám đốc Công ty TNHH Juki Việt Nam kỳ vọng Nhà nước sớm ban hành chính sách thu mua điện áp mái với một cơ chế phù hợp không phải là 0 đồng như hiện nay hoặc tạo điều kiện về thuế, vốn vay để doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư hệ thống điện áp mái, qua đó tạo lập chứng chỉ xanh cũng như tín chỉ các-bon, hướng tới giảm khí CO2 và khí thải nhà kính.

Ông Đức cho rằng, trong những vấn đề cần làm ngay thì Bộ Công thương cần tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn ngành điện thu mua điện dư thừa, thống nhất trong cả nước. Trong đó, xem việc lắp đặt điện mái nhà không phải chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà chính bản thân Nhà nước cũng có lợi vì lượng điện cung ứng cho doanh nghiệp sẽ giảm, Nhà nước dành vốn đầu tư cho dự án khác.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đều mong muốn Chính phủ có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư bộ lưu điện góp phần tránh lãng phí lượng điện dư thừa do dùng không hết, vì thiết bị này có chi phí đầu tư bằng 70% hệ thống điện mái nhà nên sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp. Đồng thời, ngành điện chủ động đầu tư về hạ tầng để phục vụ việc thu gom, chuyển tải điện từ hệ thống điện mái nhà.

Điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng sạch, tái tạo và không gây ra khí thải nhà kính hay ô nhiễm môi trường. Do đó, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế khuyến khích mô hình này nhằm thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng xanh trong các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Đồng thời, đề xuất các bộ, ban, ngành sớm hoàn thiện bộ khung pháp lý hoàn chỉnh về các thủ tục liên quan như: Thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động sản xuất.