Trong những năm gần đây, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ đã đạt được những kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại. Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 60 lần, từ 200 triệu USD vào năm 2000 lên hơn 14 tỷ USD năm 2023, đưa Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ tám của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước sáu tháng đầu năm 2024 ước đạt gần 7,2 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ khoảng 4,37 tỷ USD. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn gồm: Điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, hóa chất, cà-phê.... Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ nhiều nhất là sắt thép các loại, dược phẩm...
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, kim ngạch xuất khẩu của địa phương này sang Ấn Độ sáu tháng đầu năm 2024 ước đạt 240 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết: Ấn Độ luôn là đối tác chiến lược về thương mại của Việt Nam và hai bên còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Trong đó, cơ khí, điện, điện tử, công nghệ số và năng lượng là những ngành có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất của hai nước. Cả Việt Nam và Ấn Độ đều đang chú trọng phát triển các ngành cơ khí, điện, điện tử, công nghệ số và năng lượng. Hai nước đều có nhu cầu tìm kiếm đối tác và thị trường mới, đây là thời điểm rất tốt để thúc đẩy hợp tác theo hướng hiệu quả hơn. Thành phố Hồ Chí Minh định hướng tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Mục tiêu đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành đô thị thông minh, là thành phố dịch vụ-công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ và có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Rohit Sharma, Trưởng phòng ASEAN và châu Đại Dương, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), trước chuyến đi xúc tiến thương mại tại Việt Nam, các doanh nghiệp Ấn Độ thuộc lĩnh vực cơ
khí, điện, điện tử, năng lượng, đường sắt, xây dựng cơ sở hạ tầng và vận tải đường sắt... đã đến Thành phố Hồ Chí Minh tìm cơ hội mở rộng kinh doanh, đầu tư. Ấn Độ có thế mạnh về sản xuất, chế tạo với nhiều doanh nghiệp có năng lực sản xuất tốt và các doanh nghiệp Ấn Độ nhận thấy có nhiều cơ hội hợp tác với Việt Nam, nhất là trong các ngành công nghiệp cơ khí, năng lượng, điện tử... Qua chuyến xúc tiến này, đoàn doanh nghiệp Ấn Độ kỳ vọng sẽ tìm kiếm được nhiều đối tác tiềm năng tương xứng và các cơ hội hợp tác kinh doanh, xuất nhập khẩu mới, thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia.
Với hơn 300 thành viên, Hội Doanh nghiệp cơ khí-điện Thành phố Hồ Chí Minh (HAMEE) hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện, tự động hóa và năng lượng tại Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Thời gian qua, HAMEE đã có nhiều kết nối với các hiệp hội và doanh nghiệp Ấn Độ để hợp tác đầu tư. Cụ thể, HAMEE đã tổ chức đoàn doanh nghiệp xúc tiến thương mại tại Ấn Độ từ những năm 2017 đến nay; tham gia Hội nghị lần thứ nhất giao lưu doanh nghiệp Ấn Độ, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Trong quý I/2024, HAMEE đã tổ chức hai đoàn doanh nghiệp tham gia hai triển lãm ngành điện do Hiệp hội Ngành điện Ấn Độ-IEEMA tổ chức. Ông Trần Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí-điện Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Với những thuận lợi như có vị trí chiến lược ở châu Á, lực lượng lao động trẻ, thị trường lớn, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, hai nước Việt Nam-Ấn Độ có thể thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực sản xuất, cơ khí chế tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, phát triển nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp hai nước.
Cũng theo ông Đào Minh Chánh, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như doanh nghiệp cả nước với doanh nghiệp các nước, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp thành phố mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác, kết nối giao thương nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các nước trên thế giới; đồng thời, tạo cầu nối, chủ động phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với các nước, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong cả nước ■