Bảo đảm quyền công dân cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, các cấp, ngành ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhóm trẻ em, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, có đầy đủ giấy tờ tùy thân (giấy khai sinh, mã số định danh, căn cước) để các em có đầy đủ quyền công dân, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Tất cả trẻ em tại Cơ sở bảo trợ xã hội Thiện Duyên (huyện Củ Chi) đều đã được cấp giấy tờ tùy thân.
Tất cả trẻ em tại Cơ sở bảo trợ xã hội Thiện Duyên (huyện Củ Chi) đều đã được cấp giấy tờ tùy thân.

Gỡ khó từng trường hợp cụ thể

Em Ngô An Kỳ, 17 tuổi (ngụ quận Bình Tân) là trẻ mồ côi, sinh sống trong chùa nên việc làm giấy tờ tùy thân cho em gặp nhiều khó khăn. Để bảo đảm quyền công dân cho Kỳ, Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng lãnh đạo quận Bình Tân tìm giải pháp giúp em có giấy tờ tùy thân để viết tiếp giấc mơ vào đại học.

Tương tự, em Ngô Tấn Lộc (16 tuổi) được Cơ sở bảo trợ xã hội Thiện Duyên (huyện Củ Chi) nhận nuôi từ nhỏ. Lộc đã có giấy khai sinh và đã được cấp số định danh cá nhân; tuy nhiên, vì không được phép nhập hộ khẩu vào cùng nơi đăng ký thường trú với mẹ nên việc làm giấy tờ tùy thân cho em gặp nhiều khó khăn.

Mới đây, Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cùng các đơn vị liên quan phối hợp hỗ trợ làm giấy tờ tùy thân cho Lộc. Em vui mừng cho biết, việc có đủ giấy tờ tùy thân sẽ giúp em bớt mặc cảm, thuận tiện cho quyết tâm học cao hơn mà không phải lo lắng bị gián đoạn do thiếu các giấy tờ, thủ tục.

Ngoài Tấn Lộc, Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cùng các đơn vị liên quan cũng đang phối hợp hỗ trợ làm giấy tờ tùy thân cho 19 em 16-18 tuổi có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn huyện. Trong đó, có 15 trường hợp chưa làm được giấy khai sinh và bốn trường hợp chưa được cấp số định danh cá nhân.

Quận Bình Tân có 1.100 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương.

Theo bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân, tất cả các trường hợp đã được rà soát, hướng dẫn đăng ký khai sinh, mã số định danh, thường trú và căn cước công dân.

Huyện Hóc Môn còn 43 trường hợp trẻ em chưa được cấp giấy khai sinh; trong đó, trẻ em và thanh niên trong các cơ sở trợ giúp trẻ em ngoài công lập có 19 trường hợp, các em đã được cấp định danh cá nhân và căn cước công dân, chỉ có hai trường hợp chưa được cấp căn cước nhưng đã được cấp định danh.

Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Hóc Môn đã và đang rà soát từng trường hợp cụ thể để làm giấy tờ tùy thân cho các em.

Bảo đảm quyền công dân cho trẻ em

Qua rà soát của Công an Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố còn 2.934 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa có giấy tờ tùy thân. Với mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”, Công an thành phố đang phối hợp với các địa phương trên địa bàn để cấp số định danh, căn cước cho các trường hợp này.

Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Nhựt cho biết: Bản thân các em có hoàn cảnh đặc biệt khi sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi.

Nếu không có giấy tờ tùy thân, các em sẽ càng thiệt thòi hơn. Do vậy, Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố sẽ quyết liệt phối hợp với các sở, ngành liên quan nhằm linh động tháo gỡ các vướng mắc để bảo đảm quyền công dân cho các em.

Theo ông Nhựt, phần lớn trường hợp trẻ em chưa có giấy tờ tùy thân được phát hiện qua rà soát đều được các địa phương cấp giấy ngay. Với trường hợp đặc biệt khó, các đơn vị phối hợp chưa tìm được giải pháp tháo gỡ thì Ban Văn hóa-Xã hội sẽ chung tay cùng các địa phương xử lý.

Mục tiêu bảo đảm 100% công dân có thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Bà Nguyễn Thị Việt Tú, Ủy viên Ban Văn hóa-Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Việc hỗ trợ, giúp đỡ các em có hoàn cảnh đặc biệt có giấy tờ tùy thân là hoạt động rất ý nghĩa, nhân văn.

Theo bà Tú, mỗi cái tên được liệt kê trong các báo cáo là một cuộc đời, chính vì vậy, cần tạo mọi điều kiện tốt nhất để các trường hợp đang gặp khó khăn được cấp đầy đủ giấy tờ tùy thân.

“Đây không chỉ là quyền lợi của người dân, mà cũng là trách nhiệm của cán bộ vì người dân phải có giấy tờ thì các cơ quan mới quản lý được họ, góp phần hỗ trợ cho công tác quản lý địa phương”, bà Tú nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đình Nghinh cho biết: Hội luôn tạo điều kiện tốt nhất và quyết tâm phối hợp với các ban, ngành để tất cả trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn có giấy tờ tùy thân. Trường hợp cần xét nghiệm ADN huyết thống để bổ sung hồ sơ thì hội sẽ hỗ trợ chi phí cho gia đình các em.