Rời phố về quê khởi nghiệp

Tốt nghiệp đại học, đã có việc làm và thu nhập ổn định ở Hà Nội, nhưng ước muốn tự thân làm giàu đã thôi thúc anh La Văn Dũng, ở xóm Nà Roác 1, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng về quê khởi nghiệp trang trại.
0:00 / 0:00
0:00
Anh La Văn Dũng thu hoạch ổi.
Anh La Văn Dũng thu hoạch ổi.

Tốt nghiệp đại học năm 2015, anh La Văn Dũng (sinh năm 1991) vào làm tại một công ty công nghệ thông tin với công việc viết phần mềm, mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng. Đến năm 2017, anh Dũng quyết định về quê làm nông nghiệp. Anh Dũng kể: “Thời điểm đó, phong trào khởi nghiệp trong thanh niên đang lên cao; ở nhà lại có đất đai cho nên tôi quyết định về quê làm ăn. Khi đó, Giám đốc Công ty hỏi “lương không đủ sống hay sao?”, ý muốn giữ lại, nhưng ước muốn khởi nghiệp khiến tôi quyết định thay đổi”.

Thế nhưng khởi đầu “không như mơ”, Dũng gặp phải một số thất bại. Trong ba năm đầu, do chọn sai cây trồng chủ lực, cho nên cây trồng phát triển không tốt, cứ lụi dần. Anh La Văn Dũng cho biết: Xác định là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, tôi lựa chọn cây cam là cây chủ lực và trồng thêm một số cây trồng như dứa, thanh long để “lấy ngắn, nuôi dài”. Thời điểm đó, quyết định trồng thêm cây ngắn ngày để “lấy ngắn, nuôi dài” lại là may mắn, bởi vì cây cam không phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, chưa phù hợp với chế độ chăm bón bằng phân hữu cơ cho nên cứ lụi dần. Đến nay, ý tưởng trồng cây cam đã thất bại, 500 cây cam được trồng xuống, đến nay chỉ còn số ít sinh trưởng, phát triển, hiệu quả thấp.

Trong khi đó, những cây trồng phụ trợ như dứa, thanh long phát triển tốt và cho thu nhập ổn định, đã giúp anh Dũng có vốn tiếp tục đầu tư, phát triển trang trại. Đến nay, 3 ha trồng cây ăn quả của anh Dũng đang duy trì với hai loại cây trồng chủ lực là cây dứa và cây ổi; cùng hai cây trồng phụ trợ là thanh long và hồng xiêm. Bên cạnh trồng cây ăn quả, anh Dũng còn trồng cây lâm nghiệp, nuôi cá và thường xuyên duy trì nuôi từ 30 đến 50 đàn ong. Ong cho khoảng 300-500 lít mật/năm, anh Dũng đóng chai và xây dựng thương hiệu mật ong “Người Tày La Dũng”. Hiện sản phẩm mật ong được thị trường đón nhận, anh Dũng đang hoàn thiện hồ sơ để nhận chứng nhận sản phẩm OCOP ba sao.

Anh Dũng cho biết, các bạn trẻ nếu khởi nghiệp với nông nghiệp, không nên chỉ phát triển một loại cây trồng, dễ bị mất mùa, rớt giá, cây phát triển không tốt, dẫn đến đứt nguồn vốn xoay vòng. Các bạn nên đa dạng hóa cây trồng, trồng thêm cây phụ trợ để nếu một cây trồng bị mất mùa, rớt giá, thì có thu nhập từ cây trồng khác “đỡ” lại, không bị đứt đoạn vốn đầu tư.

Năm 2021, anh Dũng đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới cây tự động có tám vòi phun, có thể xoay 360 độ. Mỗi vòi phun, tưới được cây trồng trong bán kính 350m, bao quát toàn bộ 3 ha cây ăn quả, giúp anh Dũng giảm được thời gian tưới, chăm sóc.

Anh Dũng cũng tìm tòi, học hỏi, thử nghiệm ủ thành công phân vi sinh bón cho cây trồng. Hiện anh đăng ký thu mua phế phẩm của các cơ sở sản xuất nấm, ủ thành phân, bón cho cây trồng, cho hiệu quả gần bằng bón phân chuồng. Năm 2023, dự án “Ứng dụng vi sinh trong việc sử dụng phân bón cho cây trồng và thức ăn trong chăn nuôi” của anh giành giải nhất Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn tỉnh Cao Bằng”. Tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng (tháng 5/2023), anh được nhận gói hỗ trợ tư vấn chuyển giao công nghệ và chế phẩm sinh học nông nghiệp trị giá 50 triệu đồng. Năm 2024, anh Dũng được nhận Giấy khen của Cụm thi đua các huyện miền tây tỉnh Cao Bằng.

Anh Dũng cho biết: Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục cung cấp các sản phẩm trái cây và nước ép dứa cho thị trường, cơ sở của anh sẽ phát triển, cung cấp sản phẩm nước ép ổi, trà ổi, mật ong lên men, mật ong nghệ, mật ong hoa đu đủ và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng ■