Thu nhập bền vững từ trồng quế

Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn khuyến khích người dân trồng quế trên đất lâm nghiệp. Với hiệu quả đa mục đích, vừa là cây gỗ lớn, vừa cho thu hoạch thân, vỏ, lá cành cho nên ngày càng nhiều hộ dân lựa chọn canh tác. Diện tích trồng quế ngày càng mở rộng, góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân thôn Nà Ngà, xã Đại Sảo (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) kiểm tra chất lượng vỏ quế. (Ảnh: HOÀNG VŨ)
Người dân thôn Nà Ngà, xã Đại Sảo (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) kiểm tra chất lượng vỏ quế. (Ảnh: HOÀNG VŨ)

Gia đình ông Phạm Bá Lanh ở thôn Nà Ngà, xã Đại Sảo là hộ điển hình có thu nhập khá từ việc trồng quế. Từ năm 1991, khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, ông là người tiên phong đưa cây quế vào trồng tại địa phương. Giống quế trồng trên đất đồi hợp đất và khí hậu, phát triển nhanh, nhờ vậy, sau hơn 10 năm, gia đình đã được thu hoạch, bán thành tiền.

Nhận thấy đây là cây có tiềm năng, ông đã mạnh dạn mở rộng thêm diện tích, đồng thời vận động các hộ trong vùng cùng làm theo. Đến nay, ông Lanh có gần 10 ha quế. Năm 2018, cao điểm ông bán cả đồi quế thu về gần một tỷ đồng, nhờ đó, ông có tiền xây nhà, nuôi ba người con học đại học.

Ông Nguyễn Xuân Thạo ở thôn Nà Ngà, xã Đại Sảo cũng có thu nhập bền vững tương tự nhờ trồng quế. Những năm trước, gia đình ông thuộc diện khó khăn vì ít đất sản xuất. Nhưng hiện ông có khoảng 6 ha quế ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Mỗi năm từ bán tỉa, ông cũng thu nhập lên đến vài chục triệu đồng. Có năm chỉ từ 230 cây quế có tuổi đời gần 20 năm, gia đình ông thu về 180 triệu đồng. Ngôi nhà khang trang hiện có của gia đình cũng phần lớn nhờ tiền bán quế.

Theo Trưởng thôn Nà Ngà Bùi Đức Cảnh, thôn có diện tích quế lên đến 200 ha, chiếm nhiều nhất ở xã Đại Sảo, gần như nhà nào trong thôn cũng có đồi quế. So với cây lâm nghiệp khác, cây quế có giá trị cao, dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với thời tiết của Chợ Đồn. Cây chỉ mất ba năm đầu trồng, chăm sóc, đến năm thứ năm trở đi cây khép tán, không phải làm cỏ. Giá vỏ quế thị trường mua khá cao. Năm cao điểm bà con bán được 30.000 đồng/kg, thấp gần 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, cây phù hợp trên đất thịt pha cát, có độ tơi xốp, phát triển nhanh nếu được bón lót, bón thúc phân ở giai đoạn đầu.

Thông thường, người dân sẽ khai thác hai vụ/năm, mỗi vụ thường kéo dài từ hai đến ba tháng. Về cơ bản, tất cả các bộ phận của cây quế đều được thương lái thu mua, từ vỏ, thân cây đến cành, lá. Cây quế đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương, giúp nhiều hộ làm được nhà khang trang, mua sắm được nhiều tài sản có giá trị. Kết thúc năm 2023, Đại Sảo còn 97/551 hộ nghèo, giảm được 5,8% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu đề ra. Kết quả này có phần đóng góp chủ yếu từ cây quế.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Sảo Hoàng Văn Bách cho biết: Với hiệu quả kinh tế thu được từ 200-300 triệu đồng/ha, thậm chí cao hơn tùy thời điểm, cây quế đã và đang khẳng định là cây trồng đem lại thu nhập cao. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tích cực tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng quế để nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.

Huyện Chợ Đồn là địa phương đang dẫn đầu tỉnh về diện tích trồng quế. Toàn huyện đã có hơn 1.500 ha diện tích trồng loại cây này, giúp nhiều hộ dân trên địa bàn có cuộc sống ổn định, khấm khá. Quế là cây lâm nghiệp lâu năm, có giá trị kinh tế cao, với một ha cây 15 năm tuổi thu về từ 300 triệu-500 triệu đồng, trong khi quế khai thác và bán được hết cả cây, từ vỏ, thân, cành, lá. Nhờ những ưu điểm đó mà cây quế luôn được nhiều hộ dân lựa chọn phát triển kinh tế dài lâu.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển kinh tế từ cây quế, các địa phương đã tận dụng mọi địa hình, quỹ đất trống để trồng, diện tích cây quế trên địa bàn huyện Chợ Đồn đang ngày càng mở rộng và dần trở thành cây trồng chủ lực tại địa phương trong giảm nghèo.

Nhờ cây quế, nhiều thôn, bản ở Bắc Kạn đã biến bất lợi về địa hình, thổ nhưỡng trở thành lợi thế. Thí dụ như thôn Tân Thành, xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn) không có nhiều diện tích để canh tác lúa nước, thiệt thòi so với các thôn, bản khác. Tuy nhiên, nhờ cây quế, Tân Thành giờ trở thành một trong những thôn điển hình thoát nghèo, làm giàu. Hiện nay, thôn Tân Thành có gần 300 ha cây quế, 84/84 hộ có đồi quế. Riêng từ năm 2018 đến nay, toàn thôn trồng được sau khai thác hơn 50 ha. Với giá trị khoảng 300 triệu đồng/ha, cây quế đã đem lại nguồn thu nhập khá cho các hộ trồng, nhiều hộ xây nhà, mua được ô-tô.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, tổng diện tích cây trồng quế của tỉnh hiện có khoảng 4.000 ha. Thời gian qua, ngoài việc chú trọng trồng, chăm sóc, mở rộng vùng nguyên liệu từ cây quế, tỉnh còn khuyến khích, hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh sơ chế, chế biến các sản phẩm từ cây quế. Nhiều thời điểm, các loài cây lâm nghiệp khác khó khăn trong khâu tiêu thụ thì sản phẩm từ cây quế vẫn rất ổn định.

Với quan điểm ưu tiên trồng cây lâm nghiệp đa mục đích, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục khuyến khích người dân trồng mới và trồng lại sau khai thác bằng cây quế. Tỉnh cũng tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư lĩnh vực chế biến quế để đa dạng hóa sản phẩm từ cây quế, tạo chuỗi giá trị bền vững hơn nữa trong thời gian tới.