Hà Giang tập trung giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Là tỉnh miền núi, sản xuất công nghiệp chưa phát triển nên người lao động ở tỉnh vùng cao Hà Giang rất khó tìm việc làm tại địa phương. Do đó, những năm qua, tỉnh xác định công tác đưa lao động nông thôn đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước, xuất khẩu lao động là giải pháp trọng tâm giúp người dân vùng cao tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Đào tạo nghề cho người lao động tại Trường cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang.
Đào tạo nghề cho người lao động tại Trường cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang.

Xín Mần là huyện đi đầu ký kết hợp tác cung cấp lao động cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước. Nổi bật, mấy năm gần đây, huyện ký kết hợp tác với Trường cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Đến nay, có hơn 400 lao động học nghề và đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam với mức thu nhập bình quân từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng.

Thôn Táo Thượng, xã Bản Ngò, huyện Xín Mần là địa phương có nhiều lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp mà huyện Xín Mần đã ký kết hợp tác. Từ ngày có nhiều lao động đi làm việc ngoại tỉnh, cuộc sống của người dân nơi đây khá hơn, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, nhiều nhà xây kiên cố, hiện đại mọc lên.

Gia đình bà Vàng Thị Mến, thôn Táo Thượng có con trai là Tải Văn Thức đang đi lao động tại tỉnh Quảng Ninh trong một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam. Bà Mến cho biết: “Làm việc tại Quảng Ninh, cháu nhà tôi được công ty sắp xếp chỗ ăn, chỗ ở ổn định và bảo đảm các chế độ, chính sách cho người lao động. Tiền lương trung bình mỗi tháng cháu gửi về gia đình cũng được gần 20 triệu đồng/tháng. Gia đình tôi đang xây nhà với diện tích 80m2, dự kiến hết khoảng hơn 400 triệu đồng, toàn bộ số tiền xây nhà đều từ nguồn tài chính của cháu gửi về”.

Lực lượng lao động khu vực nông thôn ở tỉnh vùng cao Hà Giang rất lớn, nhưng có sự khác nhau về độ tuổi và trình độ, do đó, để giải quyết việc làm cho người lao động, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tiến hành rà soát, phân loại đối tượng, từ đó định hướng, tư vấn việc làm cho từng nhóm lao động cụ thể.

Đối với nhóm lao động trẻ, có sức khỏe, trình độ, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã được các ngành, các cấp giáo dục, định hướng nghề nghiệp. Trong đó, tổ chức đoàn thanh niên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là những cơ quan chủ lực trong việc định hướng nghề nghiệp cho thanh niên thông qua các hoạt động tư vấn mùa thi; định hướng nghề nghiệp, việc làm; diễn đàn thanh niên khởi nghiệp.

Trong năm 2023, toàn tỉnh tổ chức được hơn 270 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp với khoảng 17 nghìn lượt người tham gia, trong đó chủ yếu là đoàn viên, thanh niên. Thông qua hoạt động này, lực lượng lao động trẻ sớm xác định được hướng phát triển cho bản thân, từ đó lựa chọn học nghề, tìm việc làm phù hợp, tránh tình trạng học nghề theo phong trào, số đông.

Ông Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang cho biết: “Nhằm động viên, khích lệ người lao động đi làm việc ngoại tỉnh, Hà Giang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động. Cụ thể, mỗi lao động khu vực nông thôn đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng để chi phí đi lại, mua sắm vật dụng cần thiết. Đối với người đi xuất khẩu lao động, được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền tối đa lên đến 100 triệu đồng và không cần tài sản tín chấp”.

Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi khảo sát thị trường lao động, ký biên bản cung cấp lao động với các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc; ký thỏa thuận hợp tác đưa lao động sang Trung Quốc, Hàn Quốc. Các địa phương trong tỉnh đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn có nhu cầu sử dụng lao động để hợp tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.

Trình độ, tay nghề người lao động khu vực nông thôn cũng được tỉnh Hà Giang quan tâm nâng cao, hệ thống đào tạo nghề được hình thành từ tỉnh đến các huyện. Tỉnh hiện có một trường cao đẳng, một trường trung cấp nghề và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên tại chín huyện.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các cơ sở đào tạo nghề đã được đầu tư mua sắm thiết bị đào tạo nghề; hỗ trợ kinh phí học tập cho người học nghề ở các xã, huyện đặc biệt khó khăn. Năm 2023, toàn tỉnh đã có gần 22 nghìn người học nghề (hệ cao đẳng 213 người; trung cấp, 1.353 người; sơ cấp và dưới ba tháng là hơn 20 nghìn người), trong đó có gần 19 nghìn học viên được hỗ trợ kinh phí...

Tỉnh Hà Giang cũng đã chú trọng tạo việc làm cho người lao động ngay tại địa phương thông qua việc mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh; đào tạo nghề, giải quyết việc làm từ khai thác các thế mạnh của tỉnh, trong đó có phát triển du lịch; triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ người dân xây dựng mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nổi bật là triển khai hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ người dân có tư liệu sản xuất.

Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ các địa phương xây dựng các mô hình giảm nghèo cộng đồng, thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất. Năm 2023, tỉnh đã xây dựng được 245 dự án giảm nghèo do cộng đồng đề xuất với kinh phí hơn 105 tỷ đồng; 120 dự án hỗ trợ sản xuất với kinh phí gần 47 tỷ đồng.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mỗi năm tỉnh Hà Giang có hàng chục nghìn lao động đi làm việc ngoại tỉnh, xuất khẩu lao động. Năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 27 nghìn lao động, trong đó có hơn 18 nghìn lao động đi làm việc ngoại tỉnh, hơn 300 người xuất khẩu lao động.