Quyết liệt ngăn chặn tội phạm công nghệ cao

Sự bùng nổ của mạng xã hội đã trở thành “địa bàn” để các loại tội phạm sử dụng công nghệ thực hiện các hành vi phạm pháp, gây nên nhiều hệ lụy tiêu cực. Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn của các lực lượng chức năng, người dân cần hết sức nâng cao cảnh giác, tìm hiểu các thủ đoạn để tránh rơi vào bẫy của các đối tượng.

Công an TP Thủ Đức tuyên truyền các hình thức, thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao của các đối tượng tội phạm.
Công an TP Thủ Đức tuyên truyền các hình thức, thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao của các đối tượng tội phạm.

Mới đây, khi phát hiện bị các đối tượng dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao lừa mất hơn 40 triệu đồng, chị L.T.N (ngụ quận 3) đã gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo. Theo chị N, khi đang làm việc ở nhà chị nhận được cuộc gọi từ người tự xưng “nhân viên bưu điện” thông báo chị có thư của một ngân hàng tố cáo về việc chị không trả nợ số tiền 45 triệu đồng. Qua trao đổi, chị N được “nhân viên” nọ chuyển máy để gặp một người khác tự xưng là công an. Người này đã “tư vấn” cho chị N cách để xử lý sự việc bằng cách chuyển tiền vào tài khoản do họ cung cấp. Nhẹ dạ, chị đã chuyển tiền theo yêu cầu. Sau khi chuyển tiền xong, các đối tượng đã “bốc hơi” một cách nhanh chóng. Tương tự, chị N.T.L, là nhân viên tạp vụ của một công ty tại quận 1. Đang trong giờ làm, chị nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là “cán bộ” công an gọi điện để báo cho chị L về việc chị có liên quan đến một đường dây ma túy mà cơ quan công an đang điều tra. Sau một lúc trao đổi, đối tượng đã yêu cầu chị chuyển số tiền 70 triệu đồng theo tài khoản. Vì quá hoảng loạn, chị L vội ra ngân hàng chuyển tiền theo yêu cầu. Đến khi biết mình bị lừa, chị L gọi điện lại số điện thoại tới số đã liên lạc thì mọi việc đã quá muộn. 

Đầu tháng 12 vừa qua, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng triệt phá một đường dây đánh bạc sử dụng công nghệ cao với tổng quy mô lên đến gần 90 nghìn tỷ đồng. Làm việc với các cơ quan chức năng, các đối tượng khai nhận: Phương thức hoạt động của chúng là sử dụng tiền đồng Việt Nam để mua các loại tiền điện tử (Etherum, Usdt, Tron...), liên kết với các sàn tài chính. Quá trình hoạt động, chúng hình thành nhiều đường dây, phân cấp nhiều tầng, nhiều đại lý, tổ chức đánh bạc chặt chẽ với quy mô lớn, phát triển ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Để thu hút, đánh vào lòng tham của người chơi, các đối tượng cam kết lợi nhuận cao, có gói bảo hiểm nếu thua. Khi số lượng người chơi tham gia nhiều, chúng sẽ đánh sập trang web để chiếm đoạt tiền trong tài khoản tiền ảo. 

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, lợi dụng sự thiếu thông tin, hiểu biết của nhiều người dân, các đối tượng thường xuyên sử dụng mạng xã hội, công nghệ để thực hiện việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 286 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tăng 30 vụ so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, 308 đối tượng liên quan đã bị Công an thành phố lập hồ sơ xử lý. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hồ Chí Minh (PA05) cho biết: Với internet, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ, các đối tượng sử dụng rất nhiều phương thức, thủ đoạn để lừa đảo như: Nhắn tin đến số điện thoại của người dân, giả dạng các ngân hàng gửi thông báo, đường link để đánh lừa, lấy cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản; sử dụng số điện thoại, tài khoản mạng xã hội của người quen của nạn nhân để nhắn tin, mượn tiền;... Gần đây, thủ đoạn mời gọi đầu tư vào các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, tiền ảo, vàng, cổ phiếu, tỷ giá trái pháp luật cũng được các đối tượng quảng bá rầm rộ khiến nhiều người sập bẫy.

Với sự bùng nổ của công nghệ, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã xác định công tác bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao là nội dung ưu tiên trong việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Từ năm 2017, an ninh mạng đã được thành phố xác định là một trong bốn trụ cột của Đề án xây dựng đô thị thông minh của thành phố. Tháng 10/2020, thành phố cũng thành lập Trung tâm an toàn thông tin để thực hiện nhiệm vụ giám sát, phòng ngừa và ứng cứu sự cố về an toàn thông tin cho các cơ quan thuộc thành phố nhằm chủ động ngăn chặn các hành vi chống phá, tấn công mạng của các đối tượng sử dụng công nghệ cao để hoạt động. Đầu năm nay, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã thành lập Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao. Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Việc thành lập PA05 sẽ góp phần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, nhất là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, điều tra hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm an ninh, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Công an thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để nâng cao công tác tuyên truyền nhận thức trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng. “Bên cạnh các biện pháp ngăn chặn, xử lý quyết liệt tội phạm sử dụng công nghệ cao của các lực lượng chức năng, người dân cần luôn tỉnh táo, tìm hiểu, xác minh kỹ các thông tin trên môi trường mạng để tránh bị sập bẫy của các đối tượng tội phạm lừa đảo. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn xử lý khi gặp các tình huống đến người dân nêu cao ý thức, đủ thông tin ứng xử trước các thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo”, Thiếu tướng Lê Hồng Nam nhấn mạnh.