Quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông cần phù hợp với điều kiện thực tế

NDO - Theo đại biểu Quốc hội, việc xử lý quyết liệt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có tác dụng tích cực về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, song quy định này cũng có phần chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt…, do đó cần có nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Góp phần hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia thì không lái xe”

Chiều 24/11, nghị trường Quốc hội “nóng” về quy định các hành vi bị cấm tại khoản 1, Điều 8 dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, liên quan quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn.

Tham gia ý kiến về các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 1, Điều 8, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, thời gian qua, Bộ Công an đã rất quyết liệt trong chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.

Điều này góp phần rất quan trọng vào việc bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Bên cạnh đó, tạo niềm tin rất lớn cho cử tri, nhân dân khi xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, không có ngoại lệ, dù người vi phạm là ai, kể cả những cán bộ trong ngành nếu vi phạm đều bị xử phạt theo đúng quy định để làm gương cho nhân dân.

Ngoài ra, việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn còn làm thu ngân sách. Vì vậy, đại biểu bày tỏ thống nhất theo quy định của dự thảo luật.

Quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông cần phù hợp với điều kiện thực tế ảnh 1

Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Cũng góp ý vào nội dung trên, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng, việc quy định nghiêm cấm tuyệt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Chính phủ đã có ý kiến giải trình hợp lý. Theo đó, quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất các tai nạn giao thông quan trọng.

Trên thực tế, việc xử lý quyết liệt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định này cũng có phần chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam, cũng như góc độ sinh học… Do vậy, đại biểu Trí đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, các căn cứ khoa học, bảo đảm tính khả thi.

Quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông cần phù hợp với điều kiện thực tế ảnh 2

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chung quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng cho rằng, tại khoản 1, Điều 8 dự thảo luật dư luận xã hội cũng như tại buổi thảo luận ở Tổ, nhiều ý kiến cử tri, đại biểu Quốc hội cũng thảo luận sôi nổi về vấn đề này. Quy định này có tác động trực tiếp đến nhiều đối tượng khi tham gia giao thông, không chỉ theo tập quán, phong tục của người Việt Nam nhưng yếu tố này chưa phù hợp với các quy định về y tế cũng như chưa bảo đảm tính khoa học.

Theo các chuyên gia y tế cũng như trên thực tế, có những người trong thời gian điều khiển phương tiện giao thông hoặc ngày đó không sử dụng bia rượu hoặc chất có nồng độ cồn, tuy nhiên do điều kiện cơ thể, sinh học hoặc trong quá trình chuyển hóa thức ăn có thể trong thời điểm đó trong hơi thở có nồng độ cồn vượt trên mức số 0.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có sự phối hợp với các cơ quan chuyên ngành như Bộ Y tế, các chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này để khi luật ban hành thu hút sự quan tâm, ủng hộ, thực hiện tốt hơn.

Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông

Quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông cần phù hợp với điều kiện thực tế ảnh 3

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết, phần lớn nguyên nhân gây tai nạn giao thông đều do lỗi con người. Do đó, việc thay đổi hành vi ứng xử của người tham gia giao thông cần được ưu tiên, nhằm làm cho vấn đề an toàn giao thông đường bộ có tính chất quy phạm.

“Điều này có ý nghĩa về văn hóa giao thông, phải được thay đổi, tăng cường để người dân có hành vi đúng mực khi tham gia giao thông. Vấn đề không chỉ là nghiêm cấm, xử phạt thật nghiêm, mà còn là công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao ý thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông”, đại biểu Tám nhấn mạnh.

Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của công dân trong việc học tập, quán triệt, hiểu biết Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, để nâng cao nhận thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông của người dân.

Quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông cần phù hợp với điều kiện thực tế ảnh 4

Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) phát biểu tranh luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) đề cập đến việc hạ độ tuổi của người lái xe gắn máy. Đại biểu cho biết, thực tế đối với xe gắn máy, đây được xác định là một loại phương tiện giao thông cơ giới.

Việc đủ điều kiện về thể chất chỉ là một phần trong vấn đề điều khiển xe gắn máy khi tham gia giao thông. Theo đại biểu, điều quan trọng nhất chính là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

“Do vậy, nếu như chúng ta hạ độ tuổi của người điều khiển xe gắn máy xuống độ tuổi 13-14, tức là độ tuổi đang học trung học cơ sở thì các em chưa đủ điều kiện về nhận thức cũng như ý thức trong vấn đề tham gia giao thông. Như vậy rất tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, theo quy định của luật hiện hành cũng như dự thảo luật chúng ta đang dự kiến, có quy định người đủ 16 tuổi trở lên thì được điều khiển xe gắn máy. Nhưng thực tế lâu nay xã hội cũng như phụ huynh vẫn hiểu rằng học sinh bắt đầu bước vào trung học phổ thông thì đều có thể sử dụng xe gắn máy. Do vậy, cần cân nhắc sửa quy định này”, đại biểu nêu quan điểm.

Quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông cần phù hợp với điều kiện thực tế ảnh 5

Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Góp ý về quy định tính điểm giấy phép lái xe, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cho rằng, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông là vấn đề rất nghiêm trọng, do vậy đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định tính điểm giấy phép lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe.

Đại biểu nhấn mạnh, giấy phép lái xe là một trong những giấy tờ rất quan trọng, không chỉ là phương tiện để nhà nước, xã hội công nhận về khả năng của một người có đủ năng lực điều kiện thực hiện hành vi điều khiển loại phương tiện giao thông nhất định để tham gia giao thông hay không, mà còn là một công cụ phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiệt hại to lớn về người và tài sản liên tiếp xảy ra, gây lo lắng, bức xúc trong quần chúng nhân dân. Tình trạng này một phần nguyên nhân chính đó là do ý thức của người điều khiển giao thông chưa cao; về mặt pháp lý đối với hành vi vi phạm hành chính chỉ mang tính chất nhất thời chưa đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm.

Trước hình này, đại biểu Phước kiến nghị với Quốc hội và ban soạn thảo bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe; xem xét sử dụng việc trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước.

“Đây là biện pháp đánh trực tiếp vào ý thức của người điều khiển phương tiện đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, tùy vào hành vi vi phạm mà lái xe sẽ bị trừ số điểm nhất định. Vi phạm nhiều lần thì lái xe sẽ bị trừ nhiều lần, trừ đến khi bị tước giấy phép lái xe và buộc phải học lại. Từ đó, người điều khiển phương tiện buộc phải tự ý thức về số điểm trên giấy phép của mình, hạn chế tối đa khả năng vi phạm để bị trừ điểm”, đại biểu nêu quan điểm.