Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông góp phần phát triển kinh tế-xã hội

NDO - Hội thảo nhằm bổ sung và làm rõ căn cứ lý luận và thực tiễn bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xử lý “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” về tai nạn giao thông; phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Chiều 25/9, tại Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông góp phần phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình hiện nay”.

Hội thảo nhằm bổ sung và làm rõ căn cứ lý luận và thực tiễn bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình hiện nay; từ đó xác định hạn chế và nguyên nhân, đưa ra định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới; đồng thời, tập trung phân tích, làm rõ thực trạng công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của các lực lượng chức năng trong thời gian qua; đánh giá tình hình áp dụng pháp luật, khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật có liên quan đến công tác quản lý trật tự, an toàn giao thông;

Công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; làm rõ trách nhiệm, quan hệ phối hợp giữa Cảnh sát giao thông và ngành giao thông vận tải trong việc giải quyết điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông;

Khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, hướng đến việc tổ chức giao thông một cách hiệu quả, khoa học giúp người và phương tiện tham gia giao thông được thuận lợi, an toàn, thông suốt.

Tham luận tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ ra thực trạng về quá tải hạ tầng giao thông, nguy cơ ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Để tiếp tục làm giảm tai nạn giao thông, nhất là số thương vong do tai nạn giao thông, đại diện Công an thành phố Hà Nội đề nghị, cần tăng cường áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, hai mục tiêu cần thực hiện là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng văn hóa giao thông an toàn.

Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo hướng lấy sự thay đổi hành vi của người tham gia giao thông làm tiêu chí đánh giá kết quả.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.

Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hiện là vấn đề nóng, còn nhiều bức xúc. Thực tiễn nêu trên đòi hỏi cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; trong đó cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa ra các giải pháp mang tính đột phá nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề này.