Nâng cao năng lực cán bộ vùng dân tộc thiểu số

Nghệ An có hơn 1,2 triệu người sống ở 11 huyện miền núi, trong đó gần nửa triệu đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu ở vùng núi cao, địa hình hiểm trở, đời sống còn nhiều khó khăn. Vì thế, việc nâng cao năng lực cho các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ (người có uy tín) và cán bộ vùng dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Già làng Vi Thái Tám (người đi giữa) có nhiều đóng góp trong vận động đồng bào xây dựng bản văn hóa và bản nông thôn mới. (Ảnh NGÂN HẠNH)
Già làng Vi Thái Tám (người đi giữa) có nhiều đóng góp trong vận động đồng bào xây dựng bản văn hóa và bản nông thôn mới. (Ảnh NGÂN HẠNH)

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tương Dương Lữ Văn May cho biết: Tương Dương là huyện 30a, vùng cao biên giới, có diện tích rộng nhất cả nước; địa hình chủ yếu đồi núi và chia cắt, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai; là nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống.

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành kế hoạch về triển khai Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 11/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An “Về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030”. Trên cơ sở đó, Tương Dương đã chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là cấp cơ sở (thôn, bản) và người có uy tín; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của địa phương.

Huyện ưu tiên tuyển dụng sinh viên cử tuyển, sinh viên có học lực khá về công tác tại địa phương và các xã khó khăn. Thời gian qua, huyện cử hơn 3.571 lượt cán bộ các cấp tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn. Nhiều cán bộ dân tộc thiểu số được cử đi học các lớp trung-cao cấp lý luận hay bồi dưỡng lý luận, kết nạp Đảng. Huyện mở nhiều lớp bồi dưỡng cho hàng nghìn lượt cán bộ ban quản lý thôn, bản về lý luận chính trị và xây dựng Đảng, đoàn thể; quản lý thôn bản; kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; phát triển kinh tế, xóa nghèo…

Tương tự, tại huyện 30a rẻo cao biên giới Kỳ Sơn, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm. Ba năm qua, huyện đã cử hơn 1.446 lượt cán bộ các cấp tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Số cán bộ cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng một cách cơ bản này trở thành cầu nối giúp ban quản lý thôn bản nâng cao năng lực mọi mặt hay cầm tay chỉ việc trong công tác điều hành, quản lý thôn bản, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo...

Cùng với Tương Dương, Kỳ Sơn, 9 huyện miền núi còn lại của Nghệ An đều được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cùng cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ vùng dân tộc thiểu số. Chỉ thị số 17-CT/TU “Về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030” có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Nghệ An, từ năm 2020 đến nay, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh từng bước được nâng lên. Nghệ An đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho hàng nghìn lượt cán bộ người dân tộc thiểu số về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ, kiến thức quản lý nhà nước. Các huyện miền núi cũng lên kế hoạch, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ cấp thôn bản về công tác xây dựng đảng, đoàn thể; “cầm tay chỉ việc” trong điều hành, quản lý thôn bản; chỉ đạo người dân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo và giữ bình yên biên giới.

Phát huy tốt vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và vai trò của người có uy tín vùng dân tộc thiểu số, các địa phương từ tỉnh đến thôn bản cùng các lực lượng liên quan đều tổ chức gặp mặt, trao đổi, cung cấp thông tin và thực hiện đầy đủ các chế độ cho đội ngũ người có uy tín. Theo Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An Vy Mỹ Sơn: Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An tổ chức nhiều chương trình tập huấn cho hàng nghìn lượt học viên tham gia, trong đó có nhiều người có uy tín. Các học viên được phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi...

Hiện đội ngũ người có uy tín thật sự trở thành một lực lượng nòng cốt trong các phong trào ở cơ sở. Việc nâng cao năng lực cho đội ngũ này sẽ góp phần làm thành điểm tựa vững chắc giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An vươn lên trong cuộc sống và giữ chắc biên cương của Tổ quốc.