Quảng Ngãi: Phạt 90 triệu đồng cơ sở bánh mì gây ngộ độc 23 người

NDO - Sáng 22/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở bán bánh mì nhiễm vi sinh vật Salmonella khiến 23 người bị ngộ độc.
0:00 / 0:00
0:00
Loại kẹo không rõ nguồn gốc mà các học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã mua ăn và bị ngộ độc vào ngày 28/3 vừa qua.
Loại kẹo không rõ nguồn gốc mà các học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã mua ăn và bị ngộ độc vào ngày 28/3 vừa qua.

Cụ thể, cơ sở bánh mì Tứ Hải do bà Lê Thị Tuyết Mai làm chủ, ở tổ dân phố Hàng Gòn, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà bị xử phạt hành chính với số tiền 90 triệu đồng về hành vi vi phạm hành chính: nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài xử phạt hành chính, cơ sở bánh mì Tứ Hải còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ một phần hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm trong thời gian 4 tháng.

Theo Trung tâm y tế huyện Sơn Hà, vào sáng 12/3, có một số bệnh nhân nghi ngờ ngộ độc thực phẩm được đưa đến Trung tâm y tế huyện Sơn Hà nhập viện điều trị. Qua điều tra nhanh từ thông tin khai báo của bệnh nhân, tất cả 23 trường hợp nghi ngờ ngộ độc đều sử dụng sản phẩm bánh mì que Tứ Hải.

Sau khi vụ ngộ độc xảy ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi tiến hành lấy 3 mẫu tại cơ sở bánh mì Tứ Hải để xét nghiệm; sau đó Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đưa ra kết luận nguyên nhân khiến 23 người bị ngộ độc là do bánh mì nhiễm vi sinh vật Salmonella.

Liên quan công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian gần đây, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ ngộ độc, nhất là trường hợp nhiều học sinh bị ngộ độc thực phẩm do ăn các loại bánh kẹo, thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán gần khu vực cổng trường học.

Trước thực trạng trên, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý thị trường tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương hướng dẫn, tuyên truyền, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, huy động sự tham gia của Ban Đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định.