Khánh Hòa: Thêm một vụ nghi ngộ độc thực phẩm do ăn hàng quán trước cổng trường

Chiều 9/4, thông tin từ Trung tâm Y tế Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho hay, trên địa bàn huyện xảy ra vụ hàng loạt học sinh các cấp nhập viện sau khi ăn cơm nắm, cơm cuộn do người dân địa phương bán trước cổng trường học. Tính đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, sức khỏe các em đang điều trị ở cơ sở y tế ổn định.
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 6/4/2024, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hòa họp khẩn để đánh giá tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
Chiều 6/4/2024, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hòa họp khẩn để đánh giá tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Thông tin ban đầu, sáng 9/4, một người dân tại địa phương tên L. đã làm 114 suất cơm nắm và 28 suất cơm cuộn, bán ngoài cổng trường học các cấp mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn thị trấn Tô Hạp.

Khoảng 10 giờ, các học sinh mua và ăn thực phẩm này có triệu chứng như: mệt, buồn nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần... Các em được đưa đến cơ sở y tế để xử lý ban đầu.

Đầu tiên, tại Trường tiểu học Tô Hạp có 4 học sinh có triệu chứng mệt, buồn nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều lần sau khi ăn sáng, tiếp đến rải rác là các trường mầm non, THCS trên địa bàn huyện.

Tính đến 16 giờ cùng ngày, có 31 học sinh được đưa đến cơ sở y tế, trong đó, 4 học sinh được xuất viện ngoại trú, 27 em đang được theo dõi điều trị. Sức khỏe của các em tạm ổn định.

Ngay khi nhận thông tin vụ việc, Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn triển khai biện pháp xử lý ngộ độc thực phẩm hàng loạt theo quy định. Cơ quan chức năng đến Trung tâm Y tế huyện thăm hỏi và động viên học sinh.

Trước đó, ngày 5/4, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa cũng phát đi công văn khẩn 930/SGDĐT-VP gửi các Phòng Giáo dục và Đào tạo, đơn vị trực thuộc về việc thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại cơ sở giáo dục.

Lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, nguồn nước sinh hoạt và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các nhà trường có bếp ăn bán trú; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định.

Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, tổ chức ứng phó, xử lý, khắc phục hậu quả khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại đơn vị; kịp thời phát hiện, chủ động báo cáo chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý đối với cơ sở, cá nhân kinh doanh thực phẩm gần khuôn viên trường học không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong quá trình tổ chức ăn bán trú do nhà trường quản lý...

Cuối tháng 3 vừa qua, liên quan đến việc ăn ở quán ngoài trường học, hàng chục học sinh một Trường THPT trên địa bàn thành phố Nha Trang nhập viện, nghi do ngộ độc thực phẩm. Cả hai vụ việc trên, các em đều đã xuất viện, sức khỏe ổn định.

Riêng vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cơm gà ở một quán ăn trên đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang ngày 11-12/3 khiến hơn 360 người nhập viện, cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân sự việc.