Mới vào đầu vụ nên gian hàng bày bán, giới thiệu sản phẩm vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) tại Tuần hàng của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Cường thu hút khá đông khách hàng. Bà Đặng Thị Lý, đại diện Hợp tác xã Thanh Cường cho biết: Nhiều năm nay, nhờ áp dụng quy trình sản xuất an toàn cho nên quả vải không bị sâu, mã quả sáng, đẹp hơn trước. Vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ thuận lợi tại các thị trường Nhật Bản, Australia, Mỹ, Hàn Quốc… Với chất lượng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, lại đang giai đoạn đầu mùa, sản lượng thu hoạch ít, cho nên vải thiều đang được bán với giá khá cao, 120 nghìn đồng/kg.
Tại tuần hàng còn giới thiệu, quảng bá các loại trái cây, nông sản đặc trưng như mận, xoài, đào, bơ, gạo, mật ong, miến, mì… của các tỉnh Sơn La, Hưng Yên, Lào Cai, Cao Bằng… Công ty Lương An đem tới tuần hàng các sản phẩm gạo của Công ty TNHH Gạo Ngon Nhất với nhiều ưu đãi cho người tiêu dùng, như “mua 4 tặng 1” khi mua sản phẩm Gạo ST25, gạo Cambodia, “mua 3 tặng 1” với gạo Tấm ST25, trà gạo lứt Huyết Rồng… Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu quốc tế Vạn Long Nguyễn Xuân Thành chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn có nhiều hơn các tuần hàng trái cây như thế này để không chỉ nông sản, trái cây của tỉnh Hà Giang, mà ở các địa phương khác cũng có thể đến được với người tiêu dùng Hà Nội. Hy vọng qua đây, các doanh nghiệp có thể mở các kênh phân phối trực tiếp tại thị trường Hà Nội trong thời gian tới”.
Đây là Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội trong năm 2022. Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, với 10,7 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc, Hà Nội là thị trường lớn về tiêu thụ sản phẩm các tỉnh, thành phố. Người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng sản phẩm đặc sản, rõ nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chất lượng tốt, sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường. Do đó, tuần hàng trái cây chính là cơ hội để các tỉnh, thành phố đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Trong thời gian gần đây, các địa phương đã hình thành, phát triển nhiều vùng sản xuất chuyên canh trái cây, nông sản có hiệu quả kinh tế cao và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng chú trọng phát triển sản phẩm đa dạng mẫu mã, chất lượng tốt hơn. Thành phố Hà Nội và các địa phương tập trung chỉ đạo có hiệu quả nhiều hoạt động, chương trình hỗ trợ phát triển, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhất là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần xây dựng nhiều thương hiệu sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu về số lượng và được người tiêu dùng biết đến.
Với tinh thần hỗ trợ các tỉnh, thành phố quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Thủ đô, hằng năm, thành phố Hà Nội tổ chức hơn 50 hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đặc sản, nông sản, sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm dư cung trong mùa vụ. Riêng năm 2021, Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ các tỉnh đạt khoảng 155.000 tấn, trị giá 1.870 tỷ đồng. Trong năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá tiêu thụ sản phẩm các địa phương.
Bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh: “Thông qua các hoạt động quảng bá này, tôi mong nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã có thêm nhiều khách hàng, đầu mối tiêu thụ thị trường Hà Nội, góp phần cân đối cung-cầu hàng hóa, kích cầu người tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế của thành phố Hà Nội. Đồng thời, người tiêu dùng Thủ đô hãy là người tiêu dùng thông thái trong việc ưu tiên, lựa chọn sản phẩm trái cây, nông sản trong nước có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19”.