Thông tin từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 - Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trong và sau đại dịch Covid-19, các cuộc gọi của trẻ em xuất hiện nhiều vấn đề mới, trong đó gia tăng tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm..., nhất là ở học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông. Ðặc biệt, gần đây, nhiều vụ trẻ vị thành niên tự tử vì áp lực học tập, gia đình, xã hội khiến rất nhiều cha mẹ phải suy nghĩ và rút kinh nghiệm về cách dạy dỗ, giao tiếp với con cái.
Sau một thời gian học trực tuyến, nay trở lại trường, em Trần Minh Tâm, học sinh lớp 9 Trường trung học cơ sở Giảng Võ (quận Ba Ðình) thừa nhận, trong thời gian học trực tuyến em cảm thấy thoải mái, tự do nhưng cũng vì thế mà buông lỏng học tập hơn. Ðiều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học và khả năng tiếp thu bài của em, đặc biệt là sau khi trở lại học trực tiếp. Kết quả một số bài thi, kiểm tra trực tiếp trên lớp rất thấp khiến bản thân em cũng như nhiều bạn cùng lớp cảm thấy thật sự lo lắng, nhất là khi các em sắp bước vào kỳ thi tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập. Cô giáo Hoàng Tuệ Minh, giáo viên Trường trung học cơ sở Giảng Võ cũng cho rằng, biểu hiện của rất nhiều học sinh trong lớp của cô khi quay trở lại học trực tiếp là sự thiếu hụt kiến thức, giảm khả năng tập trung và đặc biệt là áp lực điểm số. "Ðã có trường hợp một học sinh ngoan, học tốt của lớp tôi chủ nhiệm bị phát hiện sử dụng tài liệu khi làm bài kiểm tra cuối học kỳ II. Em học sinh này đã rất xấu hổ và chia sẻ em đã quen sử dụng các công cụ hỗ trợ khi làm bài tập hoặc kiểm tra online. Do lo sợ điểm thi trực tiếp bị thấp hơn nên em đã sử dụng tài liệu trong khi làm bài" - cô Hoàng Tuệ Minh cho biết.
TS Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục thành phố Hà Nội chia sẻ: "Áp lực tâm lý sau dịch Covid-19 chỉ là nhất thời, quan trọng là tuổi học đường lúc nào cũng gặp áp lực, vấn đề là chúng ta nhìn nhận, phát hiện, giải quyết ra sao. Cha mẹ nào cũng mong con giỏi giang, đó là một mong ước rất chính đáng. Chỉ có điều, mong muốn đó đã tạo áp lực cho các con vì bố mẹ hiện nay không hiểu hết con mình. Bất kỳ mong muốn nào cũng phải xuất phát từ năng lực thực tế của các cháu. Áp lực thứ hai là từ phía nhà trường. Trường nào cũng đều có quy chuẩn của mình và đòi hỏi học sinh phải đem về những thành tích cho trường mình, đó cũng là điều rất bình thường. Các em phải tự điều chỉnh mình để phù hợp yêu cầu của nhà trường. Tiếp theo là áp lực từ cuộc sống. Các em hiện nay được tiếp cận với quá nhiều luồng thông tin trong một ngày, nhiều thú vui như trò chơi công nghệ, mà đôi khi những cái xấu lôi kéo dễ hơn những cái tốt. Và cuối cùng là áp lực từ chính các em. Ngày xưa mọi người phải vượt khó vươn lên để thành công, nhưng hiện tại có một bộ phận các em nhỏ sống trong hoàn cảnh quá đủ đầy không phải tìm ý nghĩa của cuộc sống. Tôi nghĩ rằng các em phải bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề đầy đủ xem mình đang bị áp lực từ phía nào và tìm hướng giải quyết".
Hiện nay, việc tư vấn tâm lý tại trường học đang được chú trọng hơn nhưng không phải trường học nào cũng có điều kiện triển khai. Ban Giám hiệu Trường trung học cơ sở Ðống Ða (quận Ðống Ða) cho biết, trường đặc biệt quan tâm tới công tác tư vấn tâm lý học sinh và đã tuyển chọn những chuyên gia tư vấn có chuyên môn sâu để phụ trách vấn đề này. Tuy nhiên, hiện các trường chưa được giao chỉ tiêu viên chức cho vị trí cán bộ tư vấn tâm lý chuyên trách, nên việc tuyển dụng khá khó khăn và không giữ được người giỏi, gắn bó với công việc. Trong khi đó, học sinh trung học cơ sở trở nên đặc biệt nhạy cảm với lĩnh vực này. Các em rất cần địa chỉ tin cậy, có tính khách quan và chuyên môn cao để chia sẻ những vướng mắc của mình, thay vì tìm đến với thầy cô trực tiếp dạy mình hoặc cha mẹ. Chính vì vậy, đại diện nhà trường cho rằng, cần sớm có cơ chế để các trường đầu tư bài bản hơn trong việc xây dựng phòng tư vấn tâm lý học đường để sớm phát hiện, khắc phục những vướng mắc của tuổi teen.