Quan tâm, chăm lo các nghệ sĩ già yếu, neo đơn

Ngày 27/2, bảy nghệ sĩ từ khu Dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh đã đến nơi ở mới tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè, chấm dứt hoạt động một địa điểm “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00

Gần 30 năm qua, khu Dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu thuộc Ban Ái hữu nghệ sĩ, Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh được xem là điểm đến mang dấu ấn đặc trưng của văn hóa nghĩa tình, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của giới nghệ sĩ nói riêng và thành phố nói chung. Xuất phát từ tâm huyết và những đóng góp to lớn của nghệ sĩ nhân dân Phùng Há, từ khi thành lập đến nay, khu Dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu đã nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều nghệ sĩ già yếu, neo đơn, có những đóng góp lớn cho nền nghệ thuật sân khấu của thành phố.

Có thể nói, mô hình khu Dưỡng lão Nghệ sĩ sân khấu được xem là duy nhất của cả nước dành riêng để nuôi dưỡng, chăm sóc cho những nghệ sĩ đã cống hiến tuổi thanh xuân, tài năng cho sự phát triển của nền nghệ thuật nước nhà. Trong suốt thời gian qua, các cấp lãnh đạo thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, mà trực tiếp là Sở Văn hóa và Thể thao và Hội Sân khấu, Ban Ái hữu nghệ sĩ thành phố tạo điều kiện cho khu Dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu được duy trì và các nghệ sĩ được chăm lo tốt.

Tuy nhiên, theo thời gian, cơ sở vật chất khu Dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu không bảo đảm các điều kiện để chăm sóc các nghệ sĩ lớn tuổi; trong đó, một số nghệ sĩ già yếu không thể tự chăm sóc, sinh hoạt cá nhân, trong khi tại khu Dưỡng lão không có nhân sự có chuyên môn về y tế và các điều kiện khác. Ðể việc chăm lo các nghệ sĩ được chu đáo, từ đề xuất của Hội Sân khấu, Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận và giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp nhận và chăm sóc các nghệ sĩ của khu Dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu cùng hai nghệ sĩ Mạc Can, Huỳnh Thanh Trà tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè.

Ðến nơi ở mới, các nghệ sĩ có điều kiện được chăm lo ăn uống, chăm sóc y tế tốt hơn theo các chế độ được quy định. Các nghệ sĩ sẽ được bố trí ở khu vực riêng để thuận tiện cho sinh hoạt cũng như việc các tổ chức, cá nhân, nghệ sĩ đến thăm hỏi. Qua đó cho thấy, thành phố luôn quan tâm đến văn nghệ sĩ, luôn sẵn sàng tạo môi trường sống tốt nhất cho những nghệ sĩ đã dành cả đời cống hiến cho sự phát triển của thành phố. Ðiều này, càng khẳng định truyền thống nhân văn tốt đẹp của Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố nghĩa tình.

Ðể làm đậm thêm những giá trị cao đẹp đó, các ngành chức năng cần có thêm nhiều thời gian quan tâm thăm hỏi tình hình sức khỏe, động viên tinh thần để các nghệ sĩ yên tâm sinh sống tại nơi ở mới. Song song đó, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và các Hội văn học, nghệ thuật thành phố tiếp tục rà soát, kịp thời đề xuất đưa vào nuôi dưỡng những văn nghệ sĩ phù hợp các tiêu chí theo quy định.

Trên thực tế, vẫn còn nhiều nghệ sĩ trên các lĩnh vực sau nhiều năm cống hiến cho sự phát triển nghệ thuật thành phố đang có cuộc sống khó khăn cần được hỗ trợ, nhất là về nơi ăn chốn ở. Ðược biết, sắp tới, thành phố sẽ thông qua đề án tổ chức lại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè, đưa cơ sở này hoạt động một cách chuyên nghiệp hơn. Ðây sẽ là cơ sở để có thêm nhiều nghệ sĩ già yếu, neo đơn có cuộc sống mới, tươi đẹp hơn trong ngôi nhà chung bên cạnh các đồng nghiệp và những người yêu mến mình.