Quản lý chặt chẽ công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) vừa tổ chức đấu giá quyền khai thác ba mỏ cát trên địa bàn thành phố. Tổng số tiền các tổ chức, cá nhân trả trong các phiên đấu giá là gần 1.700 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00

Cụ thể, mỏ cát Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là hơn 703.500m3. Giá khởi điểm được đưa ra là 2,881 tỷ đồng, qua 89 vòng đấu giá, ban tổ chức xác định được giá trúng là 396,865 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm. Mỏ thứ hai ở Liên Mạc (phường Thượng Cát và phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) có trữ lượng cát 508.603m3. Giá khởi điểm 2,051 tỷ đồng, sau 53 vòng, giá đấu trúng là 408,290 tỷ đồng, gấp gần 200 lần giá khởi điểm.Với mỏ Tây Ðằng-Minh Châu (xã Minh Châu và xã Chu Minh, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát khai thác 4.899.000m3, giá khởi điểm là 19,29 tỷ đồng, qua 21 vòng đấu giá, ban tổ chức xác định được đơn vị trúng đấu giá với tổng số tiền đấu trúng là 883,93 tỷ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm.

Việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các mỏ cát nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần hạn chế khai thác cát lòng sông trái phép gây ô nhiễm môi trường và mất an ninh trật tự xã hội. Tuy nhiên, kết quả trúng đấu giá cấp quyền khai thác ba mỏ cát: Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Ðằng-Minh Châu ở Hà Nội vừa qua, với giá trúng cao gấp hàng chục đến hàng trăm lần so với giá khởi điểm, có yếu tố bất thường, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế-xã hội và thị trường vật liệu xây dựng. Bởi hiện nay, hầu hết các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, nhất là các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn cả nước đều đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vật liệu, nhất là thiếu cát, dẫn đến thi công chậm tiến độ. Tình trạng khan hiếm cát để thi công dẫn đến giá cát trên thị trường tăng cao, nhiều nhà thầu chật vật xoay xở nguồn vật liệu. Chính vì vậy, việc kiểm soát, quản lý chặt chẽ công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng như việc khai thác khoáng sản là rất cần thiết, nhằm tránh tình trạng các doanh nghiệp trúng thầu lợi dụng quyền được khai thác mỏ cát sẽ khai thác vượt trữ lượng được phép, gây lũng đoạn thị trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy của sông Hồng.

Trước những yếu tố bất thường từ việc đấu giá ba mỏ cát tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1087/CÐ-TTg ngày 11/11/2023 về việc tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở ba mỏ cát nêu trên bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật. Ðây là việc làm rất cần thiết, bảo đảm không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi. Tất cả doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sông đều phải lắp đặt thiết bị định vị và giám sát hành trình trên các tàu bè được phép khai thác để theo dõi, giám sát việc khai thác theo đúng ranh giới được cấp phép và thời gian được phép khai thác trong ngày. Khi rà soát, nếu phát hiện những sai phạm, thành phố cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi bất chính.