Bình luận quốc tế

Hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh

Kết thúc các cuộc thảo luận ở thủ đô Washington (Mỹ), các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch.
0:00 / 0:00
0:00

Trong bối cảnh thế giới đang thiếu đồng lòng nhằm tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030, cam kết mới của G20 là bước đi tích cực phát huy sức mạnh tập thể để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 từ nay đến năm 2050.

Tuyên bố chung của các bộ trưởng ngoại giao, tài chính, môi trường và khí hậu cùng các thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 nêu bật tầm quan trọng của việc thực hiện các cam kết đã đề ra tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra năm 2023 ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).

Theo đó, quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ được thực hiện một cách công bằng, có trật tự và bảo đảm không để bất kỳ quốc gia hay cộng đồng nào ở lại phía sau. Tháng 12/2023, các nước tham dự COP28 đã thông qua một thỏa thuận về khí hậu, trong đó lần đầu từ trước đến nay, kêu gọi thế giới tiến tới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Đây được xem là bước ngoặt trong công cuộc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Nhiên liệu hóa thạch đang tạo ra khoảng 75% tổng lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra.

Thế giới đang chứng kiến những tiến bộ vượt bậc trong lộ trình chuyển đổi năng lượng. Tổ chức nghiên cứu Ember dự báo, lĩnh vực năng lượng mặt trời sẽ tăng trưởng gần 33,3% trong năm 2024, vượt các dự báo trước đó, khi công suất điện tăng thêm 593 gigawatt (GW). Nhà phân tích dữ liệu điện tại Ember, Euan Graham cho biết, năng lượng mặt trời đang tăng trưởng nhanh hơn dự kiến vì đây là nguồn điện rẻ nhất.

Minh họa cho tốc độ phát triển nhanh chóng của lĩnh vực này, các dự báo của Ember cho thấy, công suất điện mặt trời bổ sung trong năm 2024 còn cao hơn công suất điện than 540 GW tăng thêm trên toàn thế giới kể từ năm 2010. Là quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, Trung Quốc dự kiến bổ sung 334 GW, tương đương 56% tổng công suất điện Mặt trời trên toàn thế giới trong năm 2024. Tiếp theo là Mỹ, Ấn Độ, Đức và Brazil. Hiện 5 quốc gia đứng đầu này chiếm đến 75% công suất điện mặt trời mới trong năm 2024.

Chuyển đổi năng lượng là xu thế tất yếu và các quốc gia, chính phủ trên thế giới đều đã đưa ra những cam kết, mục tiêu nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như tăng tỷ lệ sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), gần 70 quốc gia, hiện đóng góp 80% công suất năng lượng tái tạo toàn cầu, sẽ đạt hoặc vượt mục tiêu đã cam kết vào năm 2030.

Mục tiêu hiện nay là công suất năng lượng tái tạo đạt 1.000 GW/năm đến năm 2030. Thế giới dự kiến sẽ bổ sung hơn 5.500 GW năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2024-2030 với các chính sách và điều kiện thị trường hiện tại. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết, điều này không chỉ được thúc đẩy bởi các nỗ lực giảm phát thải hay tăng cường an ninh năng lượng, mà còn do năng lượng tái tạo hiện là lựa chọn rẻ nhất để bổ sung các nhà máy điện mới ở hầu hết quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, bất chấp sự mở rộng kỷ lục trên phạm vi toàn cầu của các nguồn năng lượng tái tạo, thế giới vẫn chưa đi đúng lộ trình mở rộng năng lượng tái tạo cần thiết. Công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030 dự kiến chỉ đạt 2,7 lần mức năm 2022, thấp hơn mục tiêu tăng gấp 3 lần được đặt ra tại COP28. Do đó, IEA khuyến nghị các nước đang phát triển và mới nổi cần cải thiện chính sách nhằm khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo lớn.

Đối với châu Âu và Mỹ, IEA cho rằng nên rút ngắn quy trình cấp phép để giải phóng tiềm năng. Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia đóng góp 60% mức gia tăng công suất năng lượng tái tạo toàn cầu, cần giải quyết những thách thức trong việc tích hợp năng lượng tái tạo vào mạng lưới điện của mình.

Với các mục tiêu toàn cầu về năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, tại hội nghị COP28, cộng đồng quốc tế đã đặt ra tham vọng lớn cho những năm tới.

Thế giới có thể thực hiện thành công các mục tiêu này vào năm 2030 nếu hợp tác quốc tế được tăng cường và mỗi quốc gia đóng góp những thế mạnh riêng. Tăng cường sự phối hợp và đoàn kết giữa các nước sẽ giúp thế giới đối phó hiệu quả hơn trước những thách thức chung, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi xanh và các-bon thấp trên toàn cầu.