SUDAN bị tàn phá bởi cuộc xung đột giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) bùng phát vào giữa tháng 4/2023. SAF do Tướng Abdel Fattah Al-Burhan đứng đầu và RSF do cấp phó trước đây của ông Al-Burhan là Mohamed Hamdan Dagalo chỉ huy.
Cả hai bên đều bị cáo buộc vi phạm tội ác chiến tranh, bao gồm nhằm mục tiêu vào dân thường và cản trở hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo. Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), giao tranh đã khiến khoảng 20.000 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương và hàng triệu người phải di dời và đi lánh nạn ở các nước láng giềng.
Phó Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Ted Chaiban phải thốt lên rằng "Chúng ta chưa bao giờ chứng kiến những con số như thế này trong một thế hệ", ám chỉ đến hơn 13 triệu người phải chạy nạn, cũng như 8,5 triệu người đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực ở mức khẩn cấp, trong khi 775.000 người bên bờ vực của nạn đói.
Ðánh giá của quan chức cấp cao Liên hợp quốc được đưa ra sau khi ông Chaiban cùng với Trợ lý Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Raouf Mazou đến thăm miền đông Sudan. Họ gặp gỡ giới chức địa phương và thăm những người phải di dời trong một trại tị nạn lớn đang tiếp nhận hơn 4.000 người ở tỉnh Kassala. Ông Chaiban cho rằng, sự chú ý của toàn cầu đã chuyển sang Trung Ðông kể từ khi xung đột giữa Israel và phong trào Hamas tại Gaza nổ ra tháng 10 năm 2023 và Sudan cũng cần được quan tâm ở mức độ như vậy.
Các hoạt động cứu hộ, cứu trợ và bảo vệ dân thường ở Sudan đang trở nên "bất khả thi" khi giao tranh ác liệt và con số thiệt mạng hằng ngày rất lớn. Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo Sudan có thể phải đối mặt cuộc khủng hoảng nạn đói tồi tệ nhất thế giới trong bối cảnh cuộc cuộc xung đột tại quốc gia Ðông Phi này bước sang năm thứ hai.
Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy, một nửa dân số Sudan (khoảng 25 triệu người), cần được hỗ trợ và bảo vệ nhân đạo. Thực trạng đáng lo ngại là khoảng 65% dân số Sudan sống ở khu vực nông thôn đã mất đi sinh kế do xung đột, trong khi các nhà tài trợ quốc tế và chính phủ nước này không thể thực hiện được cam kết của họ.
Kế hoạch ứng phó nhân đạo ở Sudan do Liên hợp quốc đưa ra với số tiền cần thiết để hỗ trợ người dân Sudan là 1,44 tỷ USD, song đến nay các nhà tài trợ quốc tế mới chỉ hỗ trợ được 50,8%. Trước khi xảy xung đột, có khoảng 65% dân số Sudan sống trong tình trạng nghèo đói. Thời điểm hiện tại, ngày càng có nhiều người dân nước này phải chịu cảnh sống khổ cực.
Các quốc gia phương Tây, gồm Mỹ, Anh, Pháp và Ðức, kêu gọi các bên đối địch ở Sudan tạo điều kiện thuận lợi để cung cấp viện trợ khẩn cấp cho hàng triệu người đang rất cần cứu trợ ở quốc gia này. Trong một tuyên bố chung, các quốc gia này nêu rõ: "Việc cản trở có hệ thống của hai bên đối với các nỗ lực nhân đạo trong nước và quốc tế là căn nguyên gây nên nạn đói hiện nay ở Sudan".
Các nước phương Tây yêu cầu dỡ bỏ hạn chế di chuyển tại cửa khẩu biên giới Adre từ CH Chad, nơi các xe tải chở viện trợ của Liên hợp quốc đang chờ để tiến vào Sudan; đồng thời mở tất cả tuyến đường xuyên biên giới để cung cấp viện trợ cho người dân Sudan nhằm giảm thiểu tổn thất nhân mạng trên quy mô lớn. Hiện việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản như nước sạch, chăm sóc y tế và nơi trú ẩn bị hạn chế nghiêm trọng.
Nạn đói ở Sudan được tuyên bố hồi tháng 7 năm nay tại trại tị nạn Zamzam gần thị trấn el-Facher, vùng Darfur. Ðây là cấp độ cao nhất theo các tiêu chí rất chính xác được các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc sử dụng và dựa trên thang đo được gọi là Khung phân loại an ninh lương thực tích hợp (IPC).
Theo các chuyên gia, chưa bao giờ trong lịch sử hiện đại có nhiều người phải đối mặt nạn đói như ở Sudan. Các chuyên gia nhấn mạnh, để chấm dứt tình trạng này, RSF và SAF phải ngừng ngay lập tức việc cản trở cung cấp viện trợ, đồng thời tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Sudan.