G20 ưu tiên cải cách thể chế quản trị toàn cầu

Theo tin nước ngoài và TTXVN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc tại Rio de Janeiro, Brazil với nội dung thảo luận về hàng loạt vấn đề nóng như tình trạng đói nghèo, biến đổi khí hậu và các cuộc xung đột trên thế giới. Hội nghị kéo dài từ ngày 21 đến 22/2.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 tại Brazil. (Ảnh AP)
Các đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 tại Brazil. (Ảnh AP)

Tại hội nghị, các bộ trưởng ngoại giao tập trung xem xét chương trình và kế hoạch triển khai trong năm 2024 chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 19/11 tại Rio de Janeiro. Cải cách các thể chế quản trị toàn cầu như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các tổ chức đa phương như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) với sự tham gia nhiều hơn của đại diện các nước đang phát triển, là một trong những đề xuất quan trọng của Tổng thống Brazil Lula da Silva tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20, Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira nhấn mạnh vai trò của các nước G20 trong việc giải quyết những căng thẳng đang diễn ra trên thế giới. Quan chức này bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình quốc tế hiện nay liên quan đến hòa bình và an ninh bởi xung đột đang gia tăng trên khắp thế giới, không chỉ ở Ukraine và Dải Gaza.

Bộ trưởng Ngoại giao Brazil cho biết, thế giới chi cho ngân sách quân sự hơn 2.000 tỷ USD mỗi năm thay vì đầu tư cho các chương trình viện trợ phát triển; đồng thời bày tỏ quan ngại về thực trạng bất bình đẳng và biển đổi khí hậu trên toàn cầu, cũng như chỉ trích các nước thiếu hành động cụ thể để giải quyết những mối đe dọa hiện hữu này. Nhà ngoại giao này khẳng định, đây là những nhiệm vụ quan trọng mà các thành viên G20 phải góp sức cùng chiến đấu trong năm 2024.

Chương trình nghị sự Hội nghị G20 của Chính phủ Brazil nhấn mạnh ba lĩnh vực ưu tiên, gồm cuộc chiến chống bất bình đẳng, đói nghèo; phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng; cải cách các thể chế quản trị toàn cầu. Tổng thống Brazil đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sự tham gia của châu Phi vào hợp tác quốc tế. Ông cho rằng G20 có thể đóng góp vào việc ngăn ngừa xung đột và cải thiện quản trị toàn cầu bằng các đề xuất cải cách thể chế.

Sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20, sẽ diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 tại Sao Paulo vào các ngày 28 và 29/2.