Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G20 khẳng định "thông điệp xanh" với ngành nông nghiệp thế giới

Phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, toàn diện đang trở thành hướng đi mới mang tính tất yếu của ngành nông nghiệp toàn cầu. Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G20 vừa diễn ra tại Brazil cũng như nhiều hội nghị quốc tế trước đó đã khẳng định "thông điệp xanh" với ngành nông nghiệp thế giới.
Ảnh: g20.org.
Ảnh: g20.org.

Ủng hộ sự phát triển của nền nông nghiệp bền vững, toàn diện và chống lại nạn đánh bắt hải sản tận diệt là nội dung quan trọng đã được khẳng định tại Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại Chapada dos Guimaraes, bang Mato Grosso của Brazil với sự tham gia của 23 bộ trưởng, 43 đoàn đại biểu các nước thành viên và các tổ chức quốc tế.

Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Carlos Favaro, trong phát biểu với báo giới, đã đánh giá hội nghị lần này đạt kết quả tích cực, mở ra triển vọng và hướng đi mới cho nền nông nghiệp thế giới; đồng thời nhấn mạnh, sau 5 năm thảo luận, đây là lần đầu tiên lĩnh vực nông nghiệp nhận được sự đồng thuận của các thành viên G20 và ra được tuyên bố chung.

Ông Carlos Favaro khẳng định, tuyên bố của hội nghị lần này đã đánh dấu một hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp và đánh bắt hải sản bền vững trên thế giới. Trong tuyên bố nêu trên, các nước thành viên G20 cũng cam kết bảo vệ an ninh lương thực toàn cầu bằng cách áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp bền vững, nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy thương mại quốc tế, cũng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thống nhất bảo vệ đa dạng sinh học trong phát triển nông nghiệp…

Trước khi Hội nghị G20 ra tuyên bố nêu trên, bảo đảm nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực cũng đã trở thành thông điệp được nhấn mạnh tại nhiều hội nghị quốc tế quan trọng khác.

Tại New York (Mỹ), mới đây Ủy ban các vấn đề kinh tế và tài chính của Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tiến hành phiên thảo luận chung về đề mục xóa nghèo, phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực. Theo đó, các quốc gia bày tỏ lo ngại về tình trạng phát triển nông nghiệp thiếu bền vững; đói nghèo, bất bình đẳng tiếp diễn tại nhiều nước và khu vực trên thế giới.

LHQ cho biết, khoảng 670 triệu người trên thế giới vẫn phải sống trong tình trạng nghèo cùng cực. An ninh lương thực bị đe dọa bởi các tác động hậu đại dịch, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu…

Phát triển nông nghiệp bền vững và đối phó thách thức an ninh lương thực toàn cầu cũng là nội dung trọng tâm của Hội nghị Bộ trưởng An ninh lương thực Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 9 (FSMM), diễn ra ở Peru cuối tháng 8 vừa qua. Hội nghị nhận định, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những thách thức về an ninh lương thực ngày càng trở nên trầm trọng hơn do thiên tai tàn phá mùa màng và cơ sở hạ tầng.

Trong tuyên bố được đưa ra sau hội nghị, các bộ trưởng nêu rõ những tác động đan xen của biến đổi khí hậu, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và bất bình đẳng kinh tế đang ngày càng đe dọa sự ổn định của hệ thống lương thực thế giới.

Bộ trưởng Phát triển Nông nghiệp và Thủy lợi Peru, ông Angel Manero Campos kêu gọi, để giải quyết những thách thức nêu trên, các thành viên APEC cần phải có những hành động phối hợp chung ở cấp khu vực và toàn cầu, trong đó có tăng cường hỗ trợ và trao quyền cho nông dân sản xuất nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ… APEC cần tiếp tục ưu tiên thực hành nông nghiệp bền vững nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy các hoạt động quản lý đất và nước bền vững…

Các tuyên bố và hành động nêu trên là sự tiếp nối cam kết của Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cuối năm 2023.

Theo đó, 134 quốc gia sản xuất 70% lượng thực phẩm tiêu thụ trên toàn thế giới đã ký tuyên bố chung nhấn mạnh ưu tiên phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm và nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.