Theo các chuyên gia, nếu thành phố thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách mới của Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là "chìa khóa" giúp địa phương này bứt phá, phát triển nhanh, bền vững.
Từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng
Sau mười năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương này đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Thành phố vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế liên tục qua các năm, ngoại trừ giai đoạn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Tính theo GDP, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của thành phố giai đoạn 2006-2010 là 11,4%, giai đoạn 2011-2015 là 9,6%; tính theo GRDP, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trong giai đoạn 2011-2015 là 7,2%, giai đoạn 2016-2020 là 6,4%. Thành phố từng bước đổi mới, cải thiện chất lượng mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch từ phát triển chủ yếu theo chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ...
Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế, tình hình trong nước có nhiều thuận lợi, khó khăn và cơ hội, thách thức đan xen, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố cũng bộc lộ một số hạn chế: Tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác hiệu quả; tính "vượt trội", sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng giảm, kinh tế tăng trưởng chậm lại, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho biết: Trong khi những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc của thành phố chưa được giải quyết dứt điểm thì nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh, trở thành "điểm nghẽn" cản trở sự phát triển của thành phố. Ngoài ra, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 54 của Quốc hội, thành phố vẫn còn nhiều bất cập, tiến độ thực hiện chậm và hiệu quả chưa cao. Đến nay, còn một số nội dung chưa thực hiện được, hoặc chậm thực hiện so với kế hoạch, chưa phát huy hiệu quả. Các đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực đề ra trong giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 chưa có bứt phá rõ nét. Vì vậy, việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện để thành phố tăng tốc phát triển, hoàn thành sứ mệnh đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế.
Chìa khóa để thành phố bứt phá
Theo các chuyên gia, các "điểm nghẽn" về cơ chế, hạ tầng, thiếu vốn, thiếu nguồn lực... là những trở ngại lớn để thành phố bứt phá. Để tháo gỡ những "điểm nghẽn" này, thành phố cần nhanh chóng thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách mới, đặc thù của Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98 của Quốc hội.
Đây được xem là chìa khóa để thành phố sớm bứt phá, phát triển nhanh, góp phần khai phóng mọi nguồn lực, biến thành phố trở thành cực tăng trưởng của vùng động lực kinh tế Việt Nam, là đầu tàu, trung tâm về nhiều mặt, là địa phương có năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Muốn làm điều này, thành phố có thể đề xuất, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết số 31 và Nghị quyết số 98 nhanh chóng đi vào thực tiễn.
Với các nội dung, cơ chế mới được đề cập trong Nghị quyết số 98, thành phố cần thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối nội vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, tạo sự lưu thông giúp phát huy nguồn lực trong liên kết vùng. Đồng thời, phát triển khoa học-công nghệ là một nội dung quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng. Cụ thể, thành phố cần tăng cường hỗ trợ, khuyến khích đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, nhất là các công nghệ lõi, với hạt nhân là Khu Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao; thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các hoạt động khoa học-công nghệ. Đây là cơ sở quan trọng góp phần thu hút nguồn lực giúp quá trình đô thị hóa và phát triển của thành phố, cũng như thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng. "Thực hiện tốt vấn đề này, sẽ giúp thành phố phát triển năng động, trở thành cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, làm tiền đề cho sự phát triển của các vùng, địa phương khác trong cả nước", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng nói.
Ngoài ra, để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thành phố cần có cơ chế thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon, một xu thế hiện nay cho lộ trình "Net Zero". Mặc dù, đã có sẵn một số hành lang về mặt chính sách và pháp luật; tuy nhiên, vấn đề này hiện nay không dễ có thể triển khai trong ngắn hạn.
Vì vậy, thành phố nên cân nhắc tham gia tích cực vào quá trình hoàn thiện khung pháp luật tại Việt Nam về thị trường mua bán phát thải các-bon. Thành phố cũng cần thành lập một cơ quan chuyên trách có vai trò phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan trong việc xác định tỷ lệ đóng góp lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn thành phố cho mục tiêu giảm phát thải quốc gia. Cơ quan này cũng làm đầu mối hỗ trợ phát triển sáng kiến hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, tìm kiếm, triển khai các dự án khả thi cho lộ trình "Net Zero" của Việt Nam.