Đồng chí Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình cho biết: Tháng 2 vừa qua, huyện Tiền Hải là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai thí điểm chuyển đổi Đài truyền thanh không dây hoạt động trong băng tần 87/108MHz sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông tại xã Tây Lương. Hiện nay, công suất phát đạt 20W với tổng số 52 loa rải khắp địa bàn.
Chính quyền địa phương đánh giá cao những tính năng nổi trội của thiết bị, bởi đây chính là những việc làm thiết thực nhất trong chuyển đổi số. Truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông có thể quản lý, điều khiển và nắm bắt được tình hình hoạt động của các cụm loa riêng lẻ ở địa bàn dân cư từ xa. Có thể xem và sửa chữa lỗi cũng như tự động đọc văn bản; phát được nhiều nội dung, chương trình phát thanh các cấp trên cùng một hệ thống theo sự kiện được đặt lịch cài đặt chỉ bằng những thao tác đơn giản trên thiết bị phần mềm mà Đài truyền thanh vô tuyến FM không có.
Gần đây, xã Thụy Dân (huyện Thái Thụy) triển khai khá tốt việc thông báo địa chỉ số. Chỉ trong 15 ngày, cả hệ thống chính trị trên địa bàn nỗ lực làm việc với tinh thần trách nhiệm cao cho nên đã thực hiện thông báo được 1.541 địa chỉ số. Đồng chí Nguyễn Văn Đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chia sẻ: Việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chỉ số gắn với cơ sở dữ liệu số quốc gia góp phần tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý hành chính, giao thông và có thể chia sẻ dữ liệu cho các doanh nghiệp, tổ chức khai thác, xây dựng bản đồ số chuyên nghiệp phục vụ cho từng ngành nghề, lĩnh vực và hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp.
Ngoài ra, nền tảng địa chỉ số quốc gia cũng hỗ trợ người dân tìm kiếm địa chỉ, đường đi, chia sẻ địa chỉ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, nền tảng địa chỉ số còn cho phép người dùng cập nhật, làm giàu các thông tin dữ liệu cho mình, cho cộng đồng một cách thuận tiện. Có thể thấy, việc triển khai công tác thông báo địa chỉ số ở xã Thụy Dân là minh chứng rõ nét trong việc hướng tới nền hành chính hiện đại, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Chuyển đổi số ở tỉnh Thái Bình cũng đã đi vào các hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, khi hơn hai năm qua Tỉnh ủy Thái Bình thử nghiệm rồi chính thức đưa vào khai thác và sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” đến tất cả cán bộ, đảng viên trên địa bàn. Đồng chí Phạm Văn Tuân, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình cho biết: Việc sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” là một xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay. Trong phần mềm có các tin tức trong tỉnh, trong nước và tin quốc tế được cập nhật hằng ngày.
Ngoài ra, cung cấp đầy đủ các tài liệu, văn bản về công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra… Đây là kênh thông tin chính thống của Tỉnh ủy Thái Bình cung cấp cho cán bộ, đảng viên rất kịp thời và nhanh chóng. Các văn bản, chủ trương, đường lối của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành khi được Thường trực đồng ý, nếu họp buổi sáng thì ngay buổi chiều đã được đưa vào “Sổ tay đảng viên điện tử” phổ biến trực tiếp đến cán bộ, đảng viên, góp phần định hướng dư luận, đẩy lùi những thông tin xấu, độc hoặc chưa được kiểm chứng.
Qua tổng hợp của Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Thái Bình, hiện nay tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến kết nối đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 65%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 78,89%; tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt 99,5%. Đã có 18 sở, ban, ngành; tám huyện, thành phố và các cơ quan khác như: Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an tỉnh và bốn ban thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện báo cáo trên Hệ thống báo cáo của tỉnh.
Ngay trong năm nay, tỉnh Thái Bình xác định là năm của dữ liệu số và năm chuyển đổi số phải mang lại giá trị thực chất nhất. Để thực hiện được điều này, có bốn yếu tố rất quan trọng. Đó là sự chỉ đạo tập trung của lãnh đạo tỉnh; vai trò tham mưu hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành có liên quan; sự chủ động quyết tâm của người đứng đầu các cấp và cuối cùng là việc bố trí nguồn lực hợp lý.
“Chuyển đổi số không đơn thuần là giải pháp kỹ thuật mà mục tiêu chính là thay đổi mô hình quản trị, thay đổi cách làm việc và phục vụ của các cơ quan nhà nước. Đây còn là việc kiến tạo các sản phẩm mang giá trị mới, dịch vụ mới từ các doanh nghiệp dựa trên dữ liệu và là thay đổi thói quen sử dụng, trải nghiệm mới của người dân trên môi trường số. Việc triển khai thực hiện chiến lược chuyển đổi số hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện toàn diện, tổng thể từ việc triển khai xây dựng chính quyền số đến thúc đẩy kinh tế số, xã hội số”.
NGUYỄN KHẮC THẬN
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình