Chú trọng phát triển nhà ở cho công nhân

NDO - Hiện nay, hầu hết khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước không đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của công nhân. Do đó, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là một trong những chính sách cần quan tâm, hoàn thiện trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm.
Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm.

Chiều 27/4, báo Kinh tế và Đô thị, tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Chỗ ở và nhà ở - Nhu cầu cấp bách của công nhân”.

Đây là một trong những hoạt động nhằm hướng tới cuộc thi viết báo chí mang tên “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023 đang được ba đơn vị trên phát động.

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Quỹ AFV Tạ Việt Anh cho biết, chủ đề nhà ở xã hội trở nên nóng hơn trong những năm gần đây, khi tốc độ đô thị hóa ở các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra ngày càng nhanh. Trong khi đó, mục tiêu về quỹ đất cho nhà ở xã hội và số lượng căn hộ nhà ở xã hội được xây dựng đều chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của người lao động.

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Xây dựng thu thập ý kiến của người dân, cơ quan, các bộ ngành trong cả nước, kết quả phát triển nhà ở xã hội thời gian qua chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn vừa qua còn thiếu rất nhiều. Cả nước mới quy hoạch, bố trí được 36,34% diện tích đất so với nhu cầu đến năm 2020.

Hiện tại, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp đang rất lớn và cấp bách. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đạt kết quả thấp so với mục tiêu đề ra. Hiện nay, diện tích này mới đạt 5,2 triệu m2 trên 12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016-2020 của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011.

Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả đến từ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội. Chương trình tập trung vào ba nội dung chính: Nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động; xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân - vấn đề cấp bách; cải thiện chỗ ở cho người lao động.

Các diễn giả tại tọa đàm đã đề cập tới thực trạng khó khăn về nhà ở công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đa số các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy kinh tế để mua nhà ở xã hội. Do vậy, họ chỉ có thể thuê những căn hộ, hoặc phòng trọ tự xây của người dân phù hợp nhất với khả năng kinh tế của mình, bảo đảm nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống, thiếu hẳn không gian dành cho giáo dục, khám-chữa bệnh, vui chơi, giải trí...

Tiến sĩ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ, qua khảo sát của tổ chức công đoàn, nhu cầu về nhà ở của công nhân rất lớn. Tuy nhiên, hầu hết khu công nghiệp, khu chế xuất không đáp ứng được nhu cầu này. Bên cạnh đó, với mức lương tháng trung bình của công nhân từ 6 đến 9 triệu đồng/người như hiện nay, rất khó cho họ có thể mua được nhà ở xã hội. Vì vậy, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể cần có biện pháp hỗ trợ, nên dành 90% quỹ nhà ở xã hội để cho thuê.

Các diễn giả đã đề cập tới một số giải pháp khả thi để giúp cải thiện tình trạng khó khăn về nhà ở cho công nhân trong giai đoạn hiện nay. Song hành với đó, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước để thu hút các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp có thể tham gia phát triển nhà ở xã hội. Từ đó, tạo cơ hội cho người lao động có thể được thuê, mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi, giúp họ ổn định cuộc sống.

Ngày 1/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Tại Hội nghị, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.