Hiện thực giấc mơ an cư cho công nhân, người nghèo: Những điểm sáng

Mới đây, chúng tôi có dịp thực tế tại một số địa phương, khảo sát, tìm hiểu mô hình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bước đầu đạt thành công. Qua tiếp xúc với chủ doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý, chúng tôi nhận thấy, những mô hình thành công đã góp phần giúp một bộ phận công nhân lao động, người dân nghèo, có cơ hội tiếp cận được nhà ở, từng bước “an cư, lạc nghiệp”.
0:00 / 0:00
0:00
Lớp mẫu giáo được mở trong Khu lưu trú công nhân Thiên Phát, giúp người lao động yên tâm làm việc.
Lớp mẫu giáo được mở trong Khu lưu trú công nhân Thiên Phát, giúp người lao động yên tâm làm việc.

Ngày 3/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy, ngoài một số địa phương làm tốt chính sách nhà ở xã hội, vẫn còn không ít địa phương vẫn vấp phải vướng mắc do thiếu linh hoạt, sáng tạo khi vận dụng cơ chế.

Điều này đòi hỏi bộ máy công quyền cần sự tận tâm, tư duy đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp, tìm ra cách làm, mô hình hay nhằm hiện thực hóa giấc mơ “an cư” cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp.

Theo nhận định của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, thời điểm này chính là lúc thuận lợi để thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Xuất phát từ trách nhiệm cống hiến cho xã hội, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền của, tâm sức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, không chờ đợi sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Thậm chí, có doanh nghiệp mỗi năm phải bù lỗ hàng tỷ đồng để duy trì, vận hành hoạt động “đứa con tinh thần” của mình.

Doanh nhân tâm huyết

Chị Mai Ngọc Niên quê Thanh Hóa năm nay 30 tuổi, là công nhân Khu chế xuất Linh Trung 2, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh). Hơn chục năm bươn chải lập nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, 5 năm gần đây, gia đình chị may mắn được thuê nhà trong khu lưu trú công nhân Thiên Phát giai đoạn I. Trong căn hộ nhỏ gọn gàng xinh xắn, gia đình chị Niên đã xây đắp một cuộc sống ổn định, vững vàng với hai đứa con bụ bẫm, ngoan ngoãn; chồng Niên mua được xe ô-tô để chạy taxi, Grab kiếm thêm thu nhập,…

Thực chất, khu lưu trú công nhân Thiên Phát là hai dãy nhà cao tầng quy mô 400 căn hộ, mỗi căn rộng 35m2 có đầy đủ tiện ích như một chung cư thương mại, từ công viên, sân chơi, nhà giữ xe, đến trường mẫu giáo, nhà trẻ, siêu thị mini,… Điều quan trọng nhất, giá thuê mỗi căn hộ ở đây chỉ dao động 1,7-2 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so giá thuê phòng trọ bên ngoài khu chế xuất. Chủ đầu tư Khu nhà lưu trú công nhân Thiên Phát là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng sản xuất dịch vụ du lịch Thiên Phát, do ông Nguyễn Văn Lợi làm Tổng Giám đốc.

Dẫn chúng tôi tham quan các lớp nhà trẻ, mẫu giáo trong khu lưu trú, ông Lợi cho hay, 400 căn hộ ở đây luôn kín chỗ, trong danh sách chờ phòng trống lúc nào cũng có vài chục công nhân xếp hàng để đăng ký thuê. Việc mở lớp mẫu giáo, nhận giữ trẻ ngoài giờ ngay tại khu lưu trú nhằm giúp người lao động yên tâm làm việc, thuận tiện tăng ca nâng cao thu nhập. Các căn hộ được Ban Quản lý đăng ký tạm trú dài hạn để người thuê được sử dụng điện, nước đúng giá.

Theo ông Lợi, trong hơn tám năm, năm nào ông cũng phải bỏ tiền tỷ ra bù lỗ nhưng “lợi nhuận” ông thu về được là những đứa trẻ trong khu, khi nhìn thấy ông đều khoanh tay lễ phép chào. Niềm vui của ông là công nhân này mua xe ô-tô, công nhân kia dành dụm tậu được căn nhà, vợ chồng dắt tay nhau lên tận phòng làm việc của ông rưng rưng nước mắt cảm ơn và xin phép được nhường căn hộ cho người mới. Lâu lâu, ông hay nhận được những món quà đơn sơ của những công nhân trước là cư dân ở đây.

Mấy chục năm lăn lộn trong thương trường, ông Lợi đúc kết một điều, doanh nghiệp cần lợi nhuận để tồn tại nhưng nếu bớt đi một phần lợi nhuận để nhân lên cơ hội có nhà ở, tạo dựng hạnh phúc, biến ước mơ “an cư, lạc nghiệp” vốn xa xỉ đối với công nhân nghèo và người thu nhập thấp trở thành hiện thực thì phần đóng góp đó của mình sẽ có giá trị lâu bền.

Theo quan điểm của ông Lợi, “xây nhà ở xã hội là dành cho người giàu trong tương lai, chứ không phải cho người thu nhập thấp hiện tại”. Từ suy nghĩ đó, bằng mọi việc làm, lời nói hằng ngày, ông từng bước thay đổi hành vi, hình thành nếp sống văn minh công nghiệp, đô thị cho những công nhân thuê nhà vốn chủ yếu là nông dân.

Hàng chục năm nay, cái tên “Nghĩa Lê Thành”, “Nghĩa nhà ở xã hội” trở nên quen thuộc trong giới doanh nhân, truyền thông tại thành phố mang tên Bác. Đó chính là cái tên trìu mến của mọi người dành cho ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại-Xây dựng Lê Thành, một trong số ít doanh nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh dám “bơi ngược sóng”, chấp nhận bỏ tiền tỷ đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá rẻ để bán hoặc cho thuê, chỉ để thu lại từng cắc bạc lẻ.

Khoảng 7.000 căn hộ tại những dự án như Lê Thành khu A, khu B; chung cư Lê Thành Twin Towers; chung cư Lê Thành Tân Tạo; Lê Thành An Lạc,… lần lượt ra đời từ nguồn vốn và quỹ đất do chính ông bỏ ra, tạo dựng chỗ ở cho hàng chục nghìn người lao động thu nhập thấp. Ông Lê Hữu Nghĩa chia sẻ, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, từng phải đi thuê nhà ở nên ông thấu hiểu ước mong cháy bỏng về chốn an cư của người lao động. Việc đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp được ông Nghĩa xem như một phần trách nhiệm của cuộc đời mình.

Góp phần phát triển công nghiệp bền vững

Nếu như Thành phố Hồ Chí Minh có Lê Thành, Thiên Phát thì ở Bình Dương phải nhắc tới Tổng công ty Becamex IDC. Đây được xem là đơn vị tiên phong trong phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong 10 năm qua, Becamex Bình Dương đã đầu tư xây dựng và hoàn thành 47.500 căn nhà ở xã hội, đạt 74% kế hoạch trong Đề án xây dựng 65.000 căn nhà ở xã hội mà doanh nghiệp đề ra. Từ nay đến năm 2030, Becamex IDC phấn đấu xây dựng 118.234 căn nhà ở xã hội, tạo chỗ ở cho hàng trăm nghìn người lao động. Những dự án nhà ở xã hội của Becamex IDC, ngoài bố trí đầy đủ hạ tầng cơ sở nội khu, còn được kết nối với các tuyến giao thông trọng yếu trong khu vực, có tuyến xe buýt công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của cư dân.

Dự án cũng đầu tư các dịch vụ thiết yếu, khu vui chơi giải trí, công viên, bệnh viện, trường học,… đầy đủ, đáp ứng nhu cầu học tập và vui chơi của con em người lao động, tạo dựng một môi trường sống năng động, hài hòa tiện ích.

Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC Nguyễn Văn Thanh Huy cho biết, Becamex IDC luôn coi việc xây dựng các khu nhà ở xã hội chất lượng, giá rẻ phục vụ người lao động là một trụ cột quan trọng để bảo đảm mô hình phát triển công nghiệp bền vững. Theo quan niệm của Becamex IDC, người lao động ngoại tỉnh đến Bình Dương làm việc là một nguồn lực của đầu tư.

Xây dựng nhà ở xã hội có thể không sinh lời trực tiếp nhưng lợi ích và tác động gián tiếp cho nền kinh tế thì rất lớn. Đi kèm với việc làm và thu nhập tương xứng, người lao động luôn mong ước ổn định chỗ ở, sinh hoạt tiện ích, an toàn. Khi bảo đảm được điều đó, sẽ thu hút được ngày càng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó chính là lợi thế đặc biệt giúp Bình Dương giữ chân nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thành công của Becamex IDC trong việc phát triển nhà ở xã hội là minh chứng cho chủ trương đúng, trúng, hợp lòng dân của tỉnh Bình Dương. Hơn 10 năm trước, Bình Dương đã ban hành Chương trình hành động cụ thể, từ việc tạo dựng quỹ đất, quy hoạch hạ tầng, ban hành chính sách nhằm xây dựng nhà ở cho người lao động.

Một chuyên gia kinh tế chia sẻ với chúng tôi, cái hay của Bình Dương là nhìn khác và đi trước mọi người. Trong khi nhiều địa phương tập trung phát triển nhà ở thương mại thì Bình Dương đã chuyển hướng xây nhà cho công nhân thuê. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Phạm Tuấn Anh nói ngắn gọn: Muốn xây dựng được các dự án nhà ở xã hội phải có quỹ đất. Quỹ đất nhà ở xã hội của Bình Dương có được từ nhiều nguồn: Đất công, đất di dời nhà máy, xí nghiệp, đất từ các khu đô thị mới,…

Nhưng dù quỹ đất ở đâu, khi xác định xây nhà ở xã hội, vẫn phải bảo đảm vị trí đắc địa như các dự án nhà ở thương mại. Khoảng cách di chuyển đến khu công nghiệp thuận tiện, dễ dàng tiếp cận các tiện ích chung về giao thông, giáo dục, y tế, thương mại,… đáp ứng đúng nhu cầu của nhà đầu tư và người lao động.

Tại Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng đã và đang triển khai 12 dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp với tổng diện tích sàn gần 444 nghìn m2, tương đương gần 5.100 căn hộ; trong đó đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng chín dự án với tổng diện tích sàn hơn 262 nghìn m2, tương đương 3.215 căn hộ. Đặc biệt, 268 căn hộ nhà ở xã hội CT8 - dự án Thanh Lâm Đại Thịnh 2 (huyện Mê Linh, Hà Nội) có giá bán 8,3 triệu đồng/m2 (sau thuế), một mức giá không tưởng đối với thị trường nhà đất ở Thủ đô.

Ngay từ khi thành lập, mặc dù chưa có chính sách cho nhà ở xã hội nhưng các dự án của Tổng công ty vẫn được phát triển theo định hướng một tỷ trọng lớn sản phẩm là nhà ở chung cư dành cho cán bộ, công nhân viên, người có thu nhập thấp/trung bình và phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà nước tại Hà Nội điều tiết một phần quỹ nhà, quỹ đất dành cho cán bộ, công chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách. Đây cũng là cơ sở thực tiễn để sau này HUD phát triển các dự án nhà ở xã hội.

(Còn nữa)