Cần chế định riêng về nhà ở cho công nhân lao động

NDO - Tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sáng 1/2 tại Hà Nội, đại diện liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố tập trung thảo luận về các vấn đề đang đặt ra liên quan tới đời sống công nhân, người lao động như giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống tinh thần, giải quyết nhà ở cho công nhân lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Vân Hà cho rằng, nhà ở công nhân là vấn đề muôn thuở nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Bắc Ninh hiện có 12/16 khu công nghiệp đi vào hoạt động, với hơn 330 nghìn công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp. Trong đó, hơn 75% là lao động ngoại tỉnh, hơn 100 nghìn công nhân lao động có nhu cầu về nhà ở.

Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, 2/3 số con nhỏ của công nhân lao động, chiếm khoảng 50 nghìn trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và tiểu học phải gửi về quê nhờ ông bà, người thân chăm sóc. 2/3 tổng thu nhập hằng tháng của công nhân lao động các khu công nghiệp được gửi về quê hỗ trợ gia đình, người thân và nuôi con nhỏ.

Cần chế định riêng về nhà ở cho công nhân lao động ảnh 1

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Vân Hà.

Nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, tỉnh đã quy hoạch 22 dự án nhà ở công nhân. Tuy nhiên, mới chỉ có 7 dự án nhà ở công nhân đi vào hoạt động, số căn đã bán và cho thuê của các dự án đạt từ 10-50%. Vẫn còn khoảng 100 nghìn công nhân đang phải thuê trọ trong các khu dân cư, nhiều khu chất lượng và an ninh chưa được bảo đảm.

Bà Nguyễn Thị Vân Hà nhận định: Trên thực tế, nhu cầu mua nhà ở xã hội của công nhân lao động chủ yếu tập trung vào nhóm lao động quản lý, thu nhập cao, việc làm ổn định. Nhu cầu thuê nhà ở tập trung ở nhóm công nhân lao động trực tiếp, có mức thu nhập thấp đến trung bình khá, hay thay đổi việc làm hoặc sống cùng gia đình, người thân.

Do vậy, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Chính phủ khi duyệt quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất cần quan tâm quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa-thể thao, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế… nhằm giải quyết những nhu cầu thiết yếu của công nhân lao động khu công nghiệp.

Nhà nước cần đầu tư một phần ngân sách xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Cần có chính sách hỗ trợ công nhân lao động tiền thuê nhà ở, thông qua các hình thức: Hỗ trợ trực tiếp người lao động thuê nhà ở của các dự án nhà ở công nhân hoặc hỗ trợ thông qua doanh nghiệp khi thuê lại các dự án nhà ở công nhân, cho công nhân của họ ở theo nhu cầu.

Bên cạnh đó, cần có quy định nếu doanh nghiệp không bố trí được nhà ở cho công nhân, phải hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà, tối thiểu 500 nghìn đồng/tháng/người, được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan kiến nghị: Thủ tướng quan tâm chỉ đạo thêm đối với vấn đề nhà ở xã hội.

Tại hội nghị, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã kiến nghị 10 nhóm vấn đề lớn liên quan đến thể chế, chính sách có tác động lớn đến công nhân, lao động.

Trong đó, Tổng Liên đoàn đề nghị Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất". Coi chăm lo phúc lợi xã hội về nhà ở cho công nhân lao động là một yêu cầu cấp thiết cần được quy định thành chế định riêng trong luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Công đoàn đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số luật, gồm: Luật Nhà ở (Điều 49, Điều 53, Điều 57, Điều 62, Điều 80, Điều 81), Luật Kinh doanh bất động sản (Điều 10), Luật Đất đai (Điều 54), Luật Đầu tư công (Điều 5), Luật Quản lý tài sản công (Điều 106)…

Bên cạnh huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, cần bố trí thêm ngân sách nhà nước để chăm lo về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Có cơ chế cho phép doanh nghiệp đông công nhân, lao động được phép mua hoặc thuê mua đối với các dự án nhà ở để cho chính công nhân, lao động doanh nghiệp đó mua hoặc thuê mua, góp phần "an cư lạc nghiệp".

Muốn làm được, Công đoàn đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số luật, gồm: Luật Nhà ở (Điều 49, Điều 53, Điều 57, Điều 62, Điều 80, Điều 81), Luật Kinh doanh bất động sản (Điều 10), Luật Đất đai (Điều 54), Luật Đầu tư công (Điều 5), Luật Quản lý tài sản công (Điều 106)…

Trước mắt, trong khi chưa sửa đổi các luật, đề nghị Chính phủ giao Tổng Liên đoàn và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ đề xuất với Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để giải quyết kịp thời các bức xúc hiện nay do các vướng mắc liên quan đến chồng chéo, khoảng trống của pháp luật.