Chú trọng phát triển nhà ở xã hội

Vùng kinh tế Đông Nam Bộ là trung tâm đô thị, công nghiệp, thu hút lượng người nhập cư đến sinh sống và làm việc lớn nhất cả nước. Thời gian qua, các địa phương trong vùng dù đã nỗ lực trong phát triển nhà ở xã hội nhưng lượng cung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Khu nhà ở xã hội Becamex Hòa Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Khu nhà ở xã hội Becamex Hòa Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Theo thống kê, giai đoạn 2021-2025, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 244.000 người có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, Thành phố mới hoàn thành đưa vào sử dụng 32 dự án nhà ở xã hội, với chưa đầy 20.000 căn.

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố dự tính xây dựng là 30.500 căn nhà ở xã hội, trung bình xây 6.100 căn/năm.

Tương tự, tỉnh Bình Dương hiện có khoảng 1,6 triệu lao động, đa số là người ngoại tỉnh phải đi ở trọ. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Bình Dương đã hoàn thành được 47.500 căn hộ cho khoảng 180.000 người lao động sinh sống… Nhu cầu nhà ở hiện nay đang rất thiếu đối với người lao động đang làm việc, sinh sống tại các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC Nguyễn Văn Thanh Huy cho biết: Đơn vị đang tiếp tục xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn tiếp theo tại Khu VietSing thành phố Thuận An, khu Định Hòa thành phố Thủ Dầu Một, khu Mỹ Phước thị xã Bến Cát, khu Bàu Bàng huyện Bàu Bàng.

Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở xã hội của người dân trong tỉnh còn rất lớn, nguồn cung chưa đáp ứng đủ cầu. Theo ông Huy, Becamex IDC có chính sách phát triển nhà ở xã hội gắn liền hệ sinh thái như y tế, giáo dục, giao thông… để người lao động sẽ được hưởng tất cả tiện ích xã hội. Thế nhưng, gặp nhiều vướng mắc về vấn đề pháp lý, nguồn vốn… nên các dự án chưa được triển khai đồng loạt.

Tỉnh Đồng Nai có khoảng 700.000 người làm việc trong các khu công nghiệp, đa phần là người lao động nhập cư, cần nhu cầu nhà ở. Đến nay, địa phương này mới hoàn thành gần 3.500 căn nhà ở xã hội, trong đó có 1.581 căn dành cho công nhân. Tỉnh Đồng Nai đang xúc tiến đầu tư mời gọi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào nhà ở xã hội để bán, cho thuê với người thu nhập thấp trên địa bàn.

Mục tiêu của tỉnh Đồng Nai là từ nay đến năm 2025 sẽ mời gọi các doanh nghiệp đầu tư hơn 10.000 căn nhà ở xã hội với tổng vốn đầu tư ước hơn 10.000 tỷ đồng.

Sở Xây dựng Đồng Nai cho rằng, vướng mắc lớn nhất của các dự án nhà ở xã hội hiện nay là quy trình, thủ tục. Trong năm 2022, Đồng Nai lập danh mục kêu gọi đầu tư hơn 30 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội với tổng diện tích hơn 175ha, nhưng đến nay mới có một dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư; các dự án còn lại đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bổ sung hồ sơ.

Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đang hoàn thiện quy trình thủ tục rút ngắn quy trình để tạo thuận lợi hơn cho các địa phương, chủ đầu tư. Theo đó, dự án doanh nghiệp đã có đất thì thực hiện năm bước, thời gian tối đa 153 ngày; dự án sử dụng đất nhà nước quản lý phải đấu thầu thì thực hiện bảy bước, thời gian 318 ngày.

Còn theo ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, từ năm 2006, tỉnh đã chuẩn bị sẵn quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Quỹ đất này được tạo ra từ nhiều nguồn như: quỹ đất là do đất nhà nước quản lý, quỹ đất từ việc rà soát lại quy hoạch, quỹ đất các doanh nghiệp đề xuất…Tuy nhiên, do vướng nhiều thủ tục nên các dự án nhà ở chưa thể triển khai.

Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, theo quy định, dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng lại phải thực hiện thủ tục thẩm định xong giá đất mới được miễn. Tuy nhiên, thủ tục thẩm định giá đất hiện đang rất vướng mắc, có dự án mất nhiều năm không thẩm định được giá đất để tính tiền sử dụng đất.

Ngoài ra, còn phải kiểm tra đối tượng được mua nhà ở xã hội, thẩm định giá bán. Những việc này khiến thời gian làm thủ tục kéo dài, không hấp dẫn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội cũng hạn chế, gói tín dụng thời gian qua không đủ để nhà đầu tư kéo giá thành xuống. Để tháo gỡ vướng mắc, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã hệ thống lại và ban hành quy trình thủ tục làm dự án nhà ở xã hội nhằm kiểm soát tiến độ, lộ trình và quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành.

Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án được ưu đãi tăng chỉ tiêu quy hoạch 1,5 lần mà không cần phải chờ điều chỉnh quy hoạch phân khu.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng đến phát triển nhà ở xã hội gồm: Cơ chế chính sách, quỹ đất, nguồn vốn; trình tự thủ tục đầu tư; nguyên tắc xác định giá bán, xác định đối tượng mua, thuê mua và vấn đề thanh tra, kiểm tra.

Những vướng mắc này đã được Bộ Xây dựng tổng kết đánh giá và điều chỉnh trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023. Sắp tới, các doanh nghiệp có quỹ đất thuộc sở hữu hợp pháp thì được chỉ định làm chủ đầu tư khi phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Huỳnh Văn Thuận khẳng định: Không thiếu vốn cho vay các dự án nhà ở xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội được giao tổng số 15.000 tỷ đồng để cho vay chương trình nhà ở xã hội bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Số vốn còn lại để cho vay trong năm 2023 gần 11.000 tỷ đồng, đến nay các địa phương mới đề xuất vay 4.300 tỷ đồng, số còn lại chưa cho vay.

Để tiếp tục thực hiện tốt chương trình cho vay nhà ở xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, xác định nhu cầu vay vốn của các đối tượng; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án nhà ở xã hội, tạo nguồn cung.

Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở, quy hoạch, phát triển quỹ đất, phát triển nhà ở theo dự án, phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.