Minh Châu, "ốc đảo" giữa lòng Thủ đô

NDO - Cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km, nhưng do cách biệt về giao thông, cho nên mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội ở xã đảo Minh Châu (huyện Ba Vì) còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Trăm bề thiếu thốn

Từ thị xã Sơn Tây, chúng tôi phải dừng lại nhiều lần để hỏi thăm đường về xã Minh Châu, nhưng đều bắt gặp những cái lắc đầu hoặc câu trả lời, thiếu chắc chắn. May mắn, chúng tôi gặp một người chuyên thu mua chuối chỉ đường. Sau khi chỉ dẫn cẩn thận, anh không quên nhắc chúng tôi phải đi nhanh cho kịp chuyến đò cuối trưa. Thêm vài lần hỏi đường nữa, chúng tôi mới tới được bến phà Chu Minh đúng vừa lúc phà vừa rời bến. Thấy vậy, chủ phà quay lại đón chúng tôi. Xã đảo Minh Châu hiện ra giữa sông Hồng đỏ ngầu, mênh mang nước.

Vào mùa lũ, khoảng từ tháng 5 đến tháng 9, xã Minh Châu bị cô lập hoàn toàn giữa bốn bề sông nước. Việc đi lại, giao lưu với bên ngoài phụ thuộc vào thuyền, phà nên các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa dịch vụ gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Trên địa bàn xã chỉ có vài cửa hàng tạp hóa, giải khát và duy nhất một quán hàng ăn. Người dân địa phương vẫn duy trì việc tích trữ, tự cung, tự cấp lương thực, thực phẩm trong mùa lũ.

Bí thư Ðảng ủy xã Trần Công Chiu, cho biết, Minh Châu là xã thuần nông nghèo, không có ngành nghề phụ. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn tới 85,6%, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề thương mại, dịch vụ kém phát triển. Xã nằm giữa sông Hồng, ba bề bốn bên đều là nước, nhưng hệ thống thủy lợi không được đầu tư kiên cố, không đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu. Toàn bộ diện tích đất trồng trọt phụ thuộc chủ yếu vào 'ông trời'. Bù lại, người dân cần cù, chịu khó làm ăn, trồng nhiều loại rau màu, cây ăn quả có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt như ngô, đậu, bắp cải, chuối, đu đủ... Nhưng do cách trở giao thông khiến việc tiêu thụ các sản phẩm rất khó khăn. Vì thế, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, cho nên mỗi năm, khoảng từ 300 đến 400 thanh niên của xã lại đi kiếm việc ở 'đất liền'. Tổng giá trị thu nhập của xã giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2010 chỉ được hơn 137 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 mới đạt 7,3 triệu đồng.   Giáo dục, chăm sóc sức khỏe người dân, các hoạt động văn hóa...  chậm phát triển. Minh Châu từng là địa phương có tỷ lệ người không biết chữ, số trẻ bỏ học cao nhất tỉnh Hà Tây trước đây.

Mấy năm gần đây, Minh Châu tập trung phát triển mạnh ngành chăn nuôi nhờ lợi thế đất bãi màu mỡ, nguồn thức ăn phong phú. Trong đó, đàn bò có gần 2.500 con, gần 4.000 đầu lợn và hơn 50 nghìn gia cầm. Bước đầu xã đã hình thành một số trang trại chăn nuôi ngoài khu vực dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường; tiếp cận được dự án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, sạch bệnh của thành phố. Riêng ngành chăn nuôi năm 2010 mang lại giá trị hơn 18 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã tập trung quy hoạch và phát triển vùng sản xuất rau an toàn diện tích hơn 40 ha. Ðịnh hướng phát triển kinh tế của đảng bộ, chính quyền xã Minh Châu trong những năm tới là kết hợp hài hòa giữa trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Phấn đấu trong năm năm tới, tốc độ phát triển kinh tế hằng năm đạt từ 15 đến 16%/năm; nâng tổng giá trị thu nhập của địa phương lên 90 tỷ đồng vào năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 14,2 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở đất đang ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất cũng như đời sống của người dân vùng đất bãi.

Nguy cơ hết đất trồng trọt do sạt lở

Nhìn trên bản đồ, xã Minh Châu nằm chơ vơ giữa hai nhánh sông, một bên giáp với làng Ðường, thuộc huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc); một bên giáp với xã Chu Minh (huyện Ba Vì). Nơi đây vốn là bãi bồi hoang sơ, đất đai phù sa màu mỡ. Cư dân hai bên bờ đã vượt sông ra canh tác, rồi định cư tại chỗ. Ðến năm 1955, xã Minh Châu chính thức được thành lập, trực thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (trước đây). Ðến nay, xã Minh Châu phát triển thành bảy thôn, với hơn 1.500 hộ và gần 7.000 người sinh sống.

Qua bao năm sinh sống, người dân vùng đất bãi Minh Châu hiểu rõ quy luật bên lở bên bồi của dòng sông. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở năm nay diễn ra nghiêm trọng và có nhiều diễn biến bất thường, khó lường hơn. Bởi, mới vào đầu mùa lũ nhưng dòng sông đã cuốn đi cả chục ha đất canh tác màu mỡ, kéo theo nhiều loại cây trồng đang chuẩn bị thu hoạch như ngô, đậu, lạc. Nguy hiểm hơn, dòng nước chảy xiết, cuồn cuộn thúc vào bờ khiến nước dâng cao đến đâu là đất bị sạt lở, cuốn trôi tới đó. Ngay tại khu vực bến phà, nước sông đã tiến sâu vào bờ hàng chục mét. Tại khu vực đầu bãi, một cung sạt khoảng 20m đang khoét sâu vào bờ, tạo thành những vách đứng nguy hiểm. Phía cuối bãi, ngay cạnh đoạn kè đá hộ chân mới được đầu tư năm 2010, một cung sạt dài gần 100 m đang tiến sát vào khu dân cư. Ông Trần Ðà, 78 tuổi, người có nhiều năm sinh sống, hiểu rõ từng con nước cho biết: Người dân xã Minh Châu vốn quen với sông nước, sống chung với lũ. Có nhiều năm lũ dâng cao, ngập nhà dân trong thời gian dài như năm 1971, 1997..., nhưng ông chưa từng chứng kiến tình trạng sạt lở nhanh, nhiều và nguy hiểm như năm nay. Với dòng chảy mạnh, xiết như hiện nay, chắc chắn tình trạng sạt lở còn nghiêm trọng hơn nữa và có nguy cơ mất trắng diện tích đất bãi phù sa màu mỡ. Theo ông, bờ bãi sạt lở do hệ thống kè hộ chân đầu tư thiếu đồng bộ (năm 2010 thành phố mới đầu tư kè 2,2 km trong tổng chiều dài hơn 7 km) vô tình tạo ra vật cản đối với dòng chảy. Hệ thống kè hộ chân phía bờ bên Chu Minh, Tây Ðằng được đầu tư chắc chắn từ năm 2009 làm dòng chảy bị thay đổi đột ngột, hướng thẳng vào phía Minh Châu. Nước thúc mạnh vào bờ làm tình trạng sạt lở diễn ra nhanh chóng, khó lường. Tình trạng khai thác cát trái phép cũng khiến dòng chảy bị thay đổi, tình trạng sạt lở  càng diễn ra nghiêm trọng hơn.

Tiễn chúng tôi ra tận bến phà, Bí thư Trần Công Chiu tâm sự, người dân nơi đây luôn mong muốn được các ngành chức năng quan tâm, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kè hộ chân đê quanh xã và một tuyến đường giao thông bộ thuận tiện. Ðược như vậy, Minh Châu sẽ từng bước thoát khỏi tình trạng 'ốc đảo', trở thành vùng đất trù phú.