Cho đến nay, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã đưa vào hoạt động tám điểm sinh hoạt văn hóa dành cho công nhân, trong đó có bốn điểm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp, chế xuất (KCN-CX) Hà Nội Nguyễn Ðình Thắng cho biết, KCN-CX Hà Nội có 393 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho gần 126 nghìn người lao động. Các điểm sinh hoạt văn hóa ở các khu vực này được thành lập đáp ứng nhu cầu bức thiết của người lao động. Sau giờ làm việc, người lao động (NLÐ) tìm đến đây đọc báo, xem ti-vi, truy cập in-tơ-nét, sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Ðồng thời, đây là nơi diễn ra các hoạt động thể thao, tổ chức sinh nhật, lễ cưới cho cán bộ, công nhân. Nhiều điểm sinh hoạt còn là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn; tổ chức các cuộc đối thoại giữa người lao động với giám đốc doanh nghiệp, giữa người lao động với các cơ quan chức năng thành phố...
Thăm điểm sinh hoạt văn hóa tại Công ty Ladoda (tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), chúng tôi gặp Nguyễn Văn Quân, quê ở Thuận Thành, Bắc Ninh bên máy tập thể hình. Quân cho biết: Từ khi có điểm sinh hoạt, cứ sau giờ làm việc, rất nhiều công nhân chưa lập gia đình lại tìm đến đây đọc báo, xem ti-vi, tập thể thao, giao lưu. Các hoạt động phong phú đã giúp chúng em giải tỏa mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả. Từ việc tham gia sinh hoạt nhà văn hóa này, chín cặp công nhân đã thành vợ, thành chồng. Hằng tháng, công đoàn công ty còn tổ chức sinh nhật tháng cho bọn em nữa. Rất vui, đầm ấm. Nếu mà công ty nào cũng có điểm sinh hoạt như thế này, không chỉ cải thiện đời sống tinh thần của người lao động, mà còn góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội tại các khu nhà trọ.
Tuy nhiên, sau hơn một năm hoạt động, các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đã bộc lộ một số hạn chế. Cơ sở vật chất tại các điểm sinh hoạt còn nghèo nàn. Do nguồn kinh phí có hạn, với khoảng 100 triệu đồng đầu tư cho mỗi điểm, vì vậy, số đầu sách báo ít, thiết bị tập thể dục, thể thao còn thiếu. Chưa kể, kinh phí cho tiền điện, nước, thuê bao in-tơ-nét, chế độ phụ cấp cho cán bộ quản lý điểm sinh hoạt chưa có.
LÐLÐ huyện Sóc Sơn là đơn vị đầu tiên đầu tư xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Trung tâm Văn hóa thôn Xuân Bách, địa bàn có nhiều người lao động thuê trọ. Ðiểm sinh hoạt mở cửa tất cả các buổi tối trong tuần và cả ngày chủ nhật. Tuy nhiên, số lượng công nhân tìm tới đây chưa nhiều, do diện tích sinh hoạt chật hẹp, thiếu thiết bị làm mát, cho nên vào mùa hè không khí trong phòng rất oi bức, ngột ngạt. Các loại sách báo, văn hóa phẩm còn hạn chế, chỉ có báo Lao động Thủ đô, còn những loại sách, báo khác người lao động quan tâm thì còn vắng bóng... Ðiểm sinh hoạt chỉ thật sự thu hút đông đảo NLÐ khi có những đêm giao lưu văn nghệ, tư vấn pháp luật, phiên chợ lưu động... Theo Chủ tịch LÐLÐ huyện Sóc Sơn Ngô Văn Minh, sau một ngày lao động vất vả, tâm lý chung của người lao động chỉ muốn về nhà trọ nghỉ ngơi. Do vậy, để thu hút họ tới điểm văn hóa sinh hoạt, cần phải có nhiều loại hình hoạt động phong phú hơn, đáp ứng đa dạng nhu cầu của NLÐ.
Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đầu tư bổ sung trang thiết bị, sách báo cho các điểm sinh hoạt, Liên đoàn Lao động, tổ chức công đoàn các cấp cần quan tâm hỗ trợ kinh phí chi trả dịch vụ in-tơ-nét, điện, nước. Ðặc biệt, cần đầu tư, đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ quản lý điểm sinh hoạt cũng như có cơ chế bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, trông coi nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, từ đó nâng cao chất lượng các điểm sinh hoạt.