Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, bão số 3 quét qua Hà Nội đã khiến hơn 40 nghìn cây đổ và gãy cành trên địa bàn thành phố. Trong đó, có khoảng 11 nghìn cây xanh đô thị (là nhóm những cây trồng trên hè, phố, đảo giao thông, dải phân cách, nơi công cộng khác...) do thành phố trực tiếp quản lý bị bật gốc. Còn lại là những cây xanh do các quận, huyện quản lý, cây xanh nằm trong các cơ quan, trường học… Những địa bàn có số cây bị đổ nhiều nhất là: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm… Đáng chú ý, có nhiều cây cổ thụ cả trăm năm tuổi, gắn với nhiều địa danh lịch sử, hoặc tạo cảnh quan đẹp được nhiều người quan tâm cũng bị bật gốc, gãy, đổ như cây cổ thụ trên phố Lò Sũ sau đền Bà Kiệu, cây cổ thụ tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, cây si tại phố Nhà Thờ… Ngay cả những cây xanh thuộc nhóm cây có sức chống chịu tốt, phù hợp với trồng làm bóng mát đô thị cũng bị gió quật đổ, hoặc gãy những cành lớn như: Lát, sấu, bằng lăng… Người Hà Nội vốn gắn bó với cây xanh nên điều này làm nhiều người lo lắng và tiếc nuối.
Ngay sau khi bão tan, mặc dù trời vẫn mưa lớn, thành phố đã huy động tổng lực, ưu tiên thu dọn cây gãy, đổ ở những tuyến phố nhiều người đi lại để bảo đảm an toàn giao thông. Tiếp đó, các đơn vị đã xử lý, thu dọn, phân loại, xác định những cây có thể cứu chữa để triển khai các biện pháp hồi sinh. Ngoài lực lượng chủ lực là công nhân
Công ty Công viên cây xanh, thành phố huy động lực lượng công an, bộ đội, dân phòng, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, các tình nguyện viên và người dân tham gia cắt cành, thu dọn và trồng lại cây xanh. Phải mất hơn 10 ngày sau cơn bão, đến ngày 20/9, việc thu dọn mới cơ bản hoàn thành.
Đối với việc phục hồi những cây bị đổ, bật gốc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh cho biết, việc phục hồi những cây bị đổ cũng phải tiến hành hết sức khẩn trương, bởi nếu không kịp thời cắt lá, dựng lại, cây sẽ héo dần và mất khả năng hồi sinh. Do đó, công nhân của công ty khẩn trương phân loại những cây có khả năng trồng lại. Trong quá trình dọn dẹp, có những cây chưa kịp dựng lại, công nhân của công ty đã phải tranh thủ loại bỏ lá, tỉa bớt cành nhằm tránh cây bị mất nước qua lá cây để tập trung chất dinh dưỡng nuôi thân, từ đó nâng cao khả năng sống của cây.
Trong số những cây bị đổ, ước chừng có khoảng hơn 3.500 cây có thể trồng lại, trong đó có hơn 100 cây quý hiếm, cây cần được bảo tồn, cây cổ thụ, cây trong các di tích lịch sử-văn hóa. Với sự vào cuộc tích cực của nhiều đơn vị, đến thời điểm này, 80% số cây đổ đã được trồng lại. Hàng trăm cây bật gốc được dựng lại và đã bắt đầu đâm chồi, chỉ một thời gian ngắn nữa, cây xanh bị ảnh hưởng bởi mưa bão sẽ hồi sinh.
Là người sống lâu năm ở Hà Nội, gắn bó với cây xanh, ông Phạm Đức Minh (phố Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Cây xanh tạo nên nét đẹp riêng của Hà Nội. Khi cơn bão quật đổ hàng loạt cây xanh, tôi và nhiều người đã rất lo lắng, không biết bao giờ Hà Nội mới khôi phục lại được hệ thống cây xanh. Nhưng khi thấy thành phố vào cuộc quyết liệt, nhiều cây cổ thụ được dựng lại và đã nảy mầm trở lại, tôi rất phấn khởi. Mong rằng đợt mưa bão vừa rồi cũng là kinh nghiệm quý để thành phố trồng, chăm sóc, quản lý cây xanh tốt hơn”.