Ngôi nhà sàn bằng đá ở Khuổi Ky. (Ảnh: THI PHONG)
Ngôi nhà sàn bằng đá ở Khuổi Ky. (Ảnh: THI PHONG)

Phụ nữ Tày làng Khuổi Ky giúp nhau làm kinh tế

Vốn chỉ quen với việc chăn nuôi, đồng áng, những năm gần đây, thực hiện định hướng của địa phương trong việc chuyển đổi phát triển du lịch cộng đồng, các chị em ở làng Khuổi Ky (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) tích cực hỗ trợ, học hỏi, hỗ trợ, động viên nhau cùng làm kinh tế để cải thiện cuộc sống, giúp xóa đói giảm nghèo.

Những bước đi mạnh dạn

Làng Khuổi Ky nằm cạnh dòng suối Khuổi Ky trong xanh, êm đềm, lưng tựa vào núi. Điểm đặc sắc ở Khuổi Ky chính là kiến trúc lạ mắt và rất khác biệt với những ngôi nhà sàn bằng đá có tuổi đời hơn 400 năm.

Theo sử sách truyền lại ngôi làng cổ này được hình thành trong khoảng năm 1594-1677, khi nhà Mạc từ Thăng Long chạy lên Cao Bằng để xây dựng các công trình phòng thủ và những ngôi nhà bằng đá được xây lên như những “pháo đài”. Tuy nhiên, mỗi ngôi nhà ở đây đều mang nét kiến trúc độc đáo, rất riêng, mang đậm bản sắc của dân tộc Tày.

Phụ nữ Tày làng Khuổi Ky giúp nhau làm kinh tế ảnh 1

Mái nhà sàn lợp ngói âm dương ở Khuổi Ky. (Ảnh: THI PHONG)

Đó là những ngôi nhà sàn được xây dựng hoàn toàn bằng đá, mái lợp ngói âm dương, có độ cao từ 7-8m. Tầng dưới của nhà sàn thường dùng để chứa nông cụ, tầng trên là nơi sinh hoạt của gia đình với các không gian được phân chia khoa học gồm gian thờ cúng tổ tiên, gian bếp lửa, phòng ngủ cho các thành viên trong gia đình. Trước cửa hoặc bên hiên nhà có sàn phơi ngô, thóc...

Năm 2016, theo sự vận động, hướng dẫn của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, và tham khảo cách làm hay từ những nơi khác, chị Lý Thị Điệp đã mạnh dạn tiên phong làm du lịch cộng đồng tại Khuổi Ky. Chị sửa sang ngôi nhà của gia đình để đón khách đến tham quan, trải nghiệm.

Phụ nữ Tày làng Khuổi Ky giúp nhau làm kinh tế ảnh 2

Homestay Yến Nhi của gia đình chị Lý Thị Điệp. (Ảnh: THI PHONG)

Để phục vụ tốt hơn lượng khách tìm đến ngày một gia tăng, vợ chồng chị Lý Thị Điệp đã xây dựng thêm homestay thứ hai tựa vào chân núi đá ngay phía đầu làng, lấy tên là Yến Nhi.

Cùng với việc từng bước cải thiện chất lượng dịch vụ, gia đình chị Lý Thị Điệp còn rất chú trọng công tác quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội như làm video, chia sẻ trên Tiktok, liên kết với các nền tảng du lịch lớn như Booking, Agoda... Nhờ đó, nhiều khách du lịch đã biết và tìm đến với homestay của gia đình.

Nhập cuộc có phần muộn hơn, nhưng Tày homestay của chị Nguyễn Kim Phương cũng đang là điểm đến được nhiều du khách ưa thích. Chị Phương cho biết, Tày homestay đi vào bắt đầu đón khách từ năm 2022.

Phụ nữ Tày làng Khuổi Ky giúp nhau làm kinh tế ảnh 3

Làng Khuổi Ky nằm bên dòng suối trong xanh, hiền hòa. (Ảnh: THI PHONG)

Trước khi bắt tay vào làm homestay, chị Phương đã đi tham quan, học hỏi mô hình hay ở nhiều nơi cũng như tham khảo kinh nghiệm của các chị em ở trong làng. Chị tự thấy quê mình cũng có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch như những ngôi nhà sàn bằng đá, mái ngói âm dương rất đẹp mà nơi khác không có, lại gần những thắng cảnh thiên nhiên như động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc. Chị tự hỏi tại sao mình không về quê hương của mình làm du lịch để vừa để giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa của người Tày nơi đây vừa giúp bà con trong bản có được kế sinh nhai, cải thiện đời sống? Đó chính là lý do ra đời của Tày homesay.

Du lịch giúp xóa đói giảm nghèo

Ban đầu trong làng mới chỉ lác đác vài hộ mở dịch vụ lưu trú cho khách du lịch, đến nay ở Khuổi Ky đã có 17 homestay. Hoạt động du lịch dịch vụ tại làng đá cổ ngày càng phát triển. Cùng với đó, người dân được tạo thêm công ăn việc làm, có thêm thu nhập, đời sống từng bước được cải thiện. Các hộ nghèo trong làng đã giảm hẳn.

"Tại sao mình không về quê hương của mình làm du lịch để vừa để giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa của người Tày nơi đây vừa giúp bà con trong bản có được kế sinh nhai, cải thiện đời sống?"

Chị Nguyễn Kim Phương, chủ cơ sở Tày homestay

Như với gia đình chị Mạc Thị Khon, chủ homestay Quang Thuận, trước đây cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp nên có phần bất bênh. Kể từ khi chuyển hướng làm du lịch cộng đồng, chị đã dần có tích lũy để sửa sang, nâng cấp cơ sở lưu trú của mình nhằm phục vụ khách ngày một tốt hơn. Đặc biệt, chị Khon đã duy trì phát triển nghề đan lát và làm ghế rơm truyền thống giúp tăng thêm nguồn thu nhập, vừa quảng bá một nét văn hóa của dân tộc mình đến du khách. Nhờ vào việc kinh doanh dịch vụ du lịch mỗi năm mang lại nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng cho gia đình.

Phụ nữ Tày làng Khuổi Ky giúp nhau làm kinh tế ảnh 4

Chị Mạc Thị Khon trước ngôi nhà truyền thống của gia đình được cải tạo làm homestay. (Ảnh: THI PHONG)

Tại Tày homestay, chị Nguyễn Kim Phương cho biết, người làm ở đây có mức thu nhập hằng tháng vào khoảng 6 triệu. Những đợt đông khách, chị thuê người làng làm theo giờ, với mức 350 nghìn đồng/ giờ, hoặc làm theo các show cụ thể với mức từ 100-500 nghìn đồng/show.

Hiện tại, Khuổi Ky có 17 hộ trực tiếp kinh doanh loại hình homestay. Hoạt động phục vụ khách du lịch đã trở thành công việc chung của cả làng. Bởi vậy bà con rất hào hứng tham gia vào các hoạt động như biểu diễn văn nghệ, nấu ăn, dẫn khách trải nghiệm các sinh hoạt lao động sản xuất cùng người dân.

Vào những ngày cuối tuần, đặc biệt là các dịp lễ, tết, các cơ sở lưu trú tại Khuổi Ky gần như không còn chỗ trống. Đây cũng là thời điểm bà con trong làng được huy động tối đa để đón khách đến thăm. Hiện nay du lịch là nguồn thu chính của người dân làng đá.

Phát triển mô hình hội phụ nữ giúp nhau làm kinh tế

Du lịch là ngành có tính đặc thù bởi lẽ đây không phải công việc của riêng cá nhân, hộ gia đình nào. Một điểm đến chỉ thực sự hấp dẫn, giữ chân được du khách nếu có được những trải nghiệm đặc sắc và sự tham gia nhiệt tình, tích cực của cả cộng đồng ở nơi đó. Nhận thức được điều này nên sau một thời gian mở cửa đón khách du lịch đến làng, các chị em ở làng Khuổi Ky đã họp bàn với nhau, thống nhất xây dựng mô hình hội phụ nữ giúp nhau làm kinh tế.

Hằng tuần, hằng tháng, các chị em ngồi lại với nhau, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ. Bên cạnh đó, các chị em cũng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tìm tòi tạo ra những sản phẩm du lịch mới để tạo thêm sự hấp dẫn cho du khách khi đến với Khuổi Ky.

Những thời điểm vắng khách du lịch, chị em trong làng lại chăm chỉ với việc đồng áng, chăm trâu, nuôi bò.

Phụ nữ Tày làng Khuổi Ky giúp nhau làm kinh tế ảnh 5

Các ngày trong tuần, Khuổi Ky vẫn đón nhiều du khách tìm đến trải nghiệm. (Ảnh: THI PHONG)

Chị Nguyễn Kim Phương chia sẻ, có lúc Tày homestay đón một lượng khách quá đông, các chị em trong làng sẵn sàng chạy sang hỗ trợ, không chút nề hà. Ngược lại, khi các cơ sở lưu trú khác cần, chị Phương cũng nhiệt tình giúp đỡ, cử nhân viên sang để bổ sung thêm nguồn nhân lực cho “đội bạn”.

Song điều đặc biệt nhất của hội phụ nữ cùng nhau làm kinh tế tại Khuổi Ky đó là việc duy trì các câu lạc bộ hát then, đàn tính. Dù bận việc nhưng các chị em luôn bố trí thời gian, hướng dẫn nhau luyện tập các điệu hát then truyền thống của dân tộc.

Bởi vậy nếu như trước đây cả làng chỉ có vài người biết hát then thì đến nay, nhờ có sự luyện tập thường xuyên, hầu hết các chị em đều đã có thể tự tin cất lên câu hát truyền thống của người Tày. Từ đây, các xóm đã hình thành nên đội văn nghệ dân ca dân vũ của mình để vừa tham gia, biểu diễn trong những ngày hội làng, vừa phục vụ khách du lịch.

Đồng thời, nhằm tôn vinh bản sắc của dân tộc, chị em còn thường xuyên nhắc nhau, cùng khoác lên mình bộ quần áo truyền thống của dân tộc Tày. Bởi vậy, đến làng Khuổi Ky, du khách dễ dàng bắt gặp sắc áo chàm duyên dáng, để lại ấn tượng khó quên.

Phụ nữ Tày làng Khuổi Ky giúp nhau làm kinh tế ảnh 6
Chị Mạc Thị Khon, chủ homestay Quang Thuận duyên dáng trong trang phục truyền thống của dân tộc Tày. (Ảnh: THI PHONG)

Với mục tiêu ngày càng đa dạng các sản phẩm du lịch, hội chị em làng đá Khuổi Ky đã cùng nhau tạo ra các sản phẩm du lịch mới. Như loại hình trekking, leo núi, xuống suối bắt cá,... mới được các chị em triển khai trong vài năm trở lại đây.

Nhờ sự năng động, tháo vát của các chị em làng đá, du lịch Khuổi Ky ngày càng phát triển, nhờ đó đời sống của các gia đình ngày càng được cải thiện, góp phần giúp xóa đói, giảm nghèo cho bà con, vừa góp phần khẳng định vai trò, vị thế của chị em trong cộng đồng.

back to top