Dưới làng đá cổ biên cương

Bao bọc chung quanh toàn đá là đá. Ở đây, đá là chất sống, là đôi tay chở che cho những người dân chân chất, hiền hậu. Ai qua đây đều muốn dừng lại để cảm nhận sự thư thái, nhẹ nhàng và gặp gỡ những con người mang tâm hồn của đá.

Làng đá nhìn từ trên cao.
Làng đá nhìn từ trên cao.

1/Làng đá nhỏ, nằm ẩn hiện, thấp thoáng trong làn sương bảng lảng của rừng núi Trùng Khánh, Cao Bằng. Cuộc sống ồn ào chưa len vào đến làng bởi nơi đây thuộc miền biên viễn và chỉ có không gian trầm mặc để núi đá ngự trị. Nhịp sống chầm chậm trôi, hiếm hoi mới thấy có chiếc xe từ trong làng ngược ra. Làng tĩnh lặng với mười mấy nóc nhà, thi thoảng văng vẳng tiếng “ò ọ, lộc cốc, lộc cộc” từ bầy gia súc gặm cỏ quanh đó. Người Tày ở đây gọi bản mình là Gun.

Được những dãy núi đá uy nghi bao bọc, bản Gun lúc sớm và hoàng hôn trở nên thâm u, bí ẩn. Từ phía xa trông lại, bản lọt thỏm trong không gian của đá. Trong bản, đá xếp chồng lên đá, lớp này nằm lên lớp kia vững chãi như một thạch đồ. Đá rải làm đường, đá làm cối xay, bàn ghế, tường rào, đá kè bờ suối, đá chèn bờ ruộng. Đá ôm nhà, ôm người, ôm cây… không thô cứng mà mềm mại, vừa ngăn mưa gió lở đất, vừa tạo nét độc đáo cho cảnh quan. Qua thời gian, những con đường, ngõ nhỏ, bờ rào, cổng đá phủ mờ rêu xanh, ngấm vị phong trần, sương lạnh. Đá cũng là nền tảng để những mái nhà được dựng lên. Với người Tày nơi đây, những hòn đá ấy sống cùng họ qua bao biến cố, quấn quýt, gắn bó với người để rồi mòn nhẵn theo từng bước chân đi.

Dưới làng đá cổ biên cương -0
Cuộc sống bình dị ở làng đá.

Nếp nhà ở bản Gun dù vẫn mang những nét kiến trúc quen thuộc của người vùng cao nhưng từ kết cấu đến chất liệu đều là đá. Tường và bậc nhà làm bằng đá, mái lợp ngói âm dương, cột nhà được tạo nên từ các khối gỗ lim, nghiến đẽo tròn, thẳng đứng. Xếp được những bức tường đã rất khó, nhưng để lên tầng cho ngôi nhà còn khó hơn. Thông thường, để dựng được một ngôi nhà bằng đá, người dân phải mất vài năm, từ lúc chuẩn bị nguyên liệu cho tới lúc hoàn thành. Đó là lý do những ngôi nhà ở đây không chỉ để ở mà trở thành một công trình nghệ thuật, là điểm hấp dẫn khách tham quan.

Khuổi Ky là tên được đặt theo con suối chảy qua trước làng. Trải qua thời gian và lịch sử, đến nay vẫn còn 14 ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn bốn trăm năm. Người bản địa không phải vô tình dùng đá như một thứ vật liệu thay thế mà cao hơn là biến chúng thành một công trình nghệ thuật. Họ sắp xếp, biến đá thành tấm khiên vững chắc bảo vệ cuộc sống, sức khỏe của dân làng. Có một điều hiện hữu, người dân trong làng Khuổi Ky rất khỏe mạnh, ít đau yếu, hầu như không mắc chứng bệnh nan y và tuổi thọ rất cao.

Bà Mơ, năm nay ngoài 80 tuổi, tóc đã bạc nhưng đôi mắt vẫn sáng. Bà không nói được nhiều tiếng Kinh, nhưng thấy khách du lịch vẫn đon đả mời vào nhà chơi. Bà chưa bao giờ rời khỏi bản, từ khi sinh ra đến khi lấy chồng, sinh con. Mọi sinh hoạt gần như đều nằm trọn trong thung lũng này. Bà bảo, ngày trước nhà nào cũng có một cối xay bằng đá, dùng để xát gạo, xay ngô. Sau khi xát xong thì cho vào cối giã, ngay cả chày cũng làm bằng đá nên rất nặng. Ngày nay, có máy nên không ai còn dùng những thứ đó nữa. Cối xay, cối giã trở thành bàn trà uống nước.

2/Tôi đến bản Gun vào mùa gặt, nắng trải dài trên những bông vàng nặng trĩu. Vậy mà quãng thời gian cách đây không xa, Khuổi Ky vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ngày nay, bản đã có một diện mạo mới. Người Tày nơi đây đã biến ước mơ vượt nghèo hiển hiện qua những cánh đồng trên khắp các triền đồi, những ngôi nhà khang trang trong khu du lịch mới. Trẻ con được đến trường, biết và yêu hơn bản làng mình. Điện, đường, trường, trạm… cũng đã có. Nhiều nhà khá giả nhờ phát triển du lịch cộng đồng.

Hiện nay, ở làng Khuổi Ky có bảy hộ dân kinh doanh homestay với nhiều dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ. Chị Lý Thị Điệp, chủ homestay Yến Nhi chia sẻ, ngôi nhà sàn đá của chị mới được xây dựng, dù không phải nhà cổ nhưng vẫn cố gắng giữ những nét mộc mạc xưa cũ. Đầu năm 2020, vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà cửa, nâng cấp phòng và mua sắm thêm vật dụng để kinh doanh dịch vụ lưu trú. Theo chị Điệp, khách du lịch, nhất là khách quốc tế rất hào hứng khi được trải nghiệm và tìm hiểu nét văn hóa truyền thống của người Tày. Dẫu vậy, sau hai năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, dịch vụ lưu trú tạm đóng, những hộ kinh doanh homestay gặp nhiều khó khăn nhưng ai cũng tin ngày mai khách sẽ quay trở lại.

Mang niềm lạc quan của chị Điệp rời Khuổi Ky trong buổi chiều tà, tôi chợt nhớ câu thơ “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/Sống trong thung không chê thung nghèo đói…” nhà thơ Y Phương từng viết, dường như rất hợp với nơi đây, vùng sơn cước bình yên của những con người đã khắc nên hồn cốt của làng đá cổ.