Giữa thế kỷ 15, cụ Lưu Xuân Tín, quan Thượng thư bộ Lại dưới triều Vua Lê Thánh Tông đưa những người thợ kim hoàn của làng Châu Khê (Hải Dương) ra Thăng Long, lập những xưởng đúc bạc phục vụ nhu cầu giao thương của triều đình. Sau này, ngoài nghề đúc bạc, ở đây còn phát triển nghề buôn bán bạc nén. Ðến đầu thế kỷ 19, dưới triều Nguyễn, xưởng đúc bạc nén của triều đình được chuyển vào kinh thành Huế. Phần lớn thợ Châu Khê vẫn ở tại Thăng Long tiếp tục gắn bó với nghề kim hoàn, lập nên phố Hàng Bạc. Lúc này còn có thêm thợ bạc ở hai làng nghề Ðịnh Công và Ðồng Xâm (Thái Bình) tới lập nghiệp, chuyên chế tác đồ trang sức, cung cấp vàng, bạc tại đất kinh kỳ.
Ðến nay, phần lớn các hộ dân ở trên phố nghề này đều chuyển sang làm nghề kinh doanh, sửa chữa, chế tác vàng, bạc, đồ trang sức, nhưng chủ yếu làm bằng máy, số hộ chế tác kim hoàn thủ công như xưa còn rất ít. Một trong số đó là nghệ nhân Nguyễn Chí Thành, ở số nhà 83 phố Hàng Bạc. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Chí Thành quê gốc ở làng Ðịnh Công, lập nghiệp ở phố Hàng Bạc tính đến nay đã được 117 năm. Ông Thành là thế hệ thứ năm sinh sống và gắn bó với nghề kim hoàn ở căn nhà nhỏ này. Ở tuổi 70, hằng ngày ông Thành vẫn cần mẫn chạm khắc bạc thủ công. Ông chia sẻ: "Tôi rất yêu nghề và luôn muốn giữ lấy nghề truyền thống mà nhiều thế hệ gia đình tôi đã gắn bó, lập nghiệp".
Ngoài các cửa hàng kinh doanh, sửa chữa, chế tác kim hoàn, phố Hàng Bạc ngày nay còn có nhiều khách sạn mi-ni, các đại lý du lịch, cửa hàng bán đồ ăn, cà-phê, giải khát... Ðây là địa điểm rất nhiều khách du lịch nước ngoài dừng chân hoặc chọn làm nơi lưu trú khi đến thăm Hà Nội, bởi ở đây, họ cảm nhận rất rõ cuộc sống sôi động của người dân phố cổ nói riêng, người Hà Nội nói chung. Nhịp sống ở phố Hàng Bạc nhộn nhịp, sầm uất từ sáng sớm cho đến khuya. Ði dạo tại đây, khách du lịch thường thích ngắm con phố với những căn nhà cổ, có mặt tiền nhỏ, gọn, hình ống kéo dài sâu hút, mái ngói nghiêng ra mặt phố, đôi chỗ còn có mái tranh vẩy thêm ra hè. Không ít căn nhà đã đi vào tranh Bùi Xuân Phái.
Giữa không gian náo nhiệt của con phố buôn bán sầm uất bậc nhất Thủ đô, không gian cổ kính, uy nghiêm, trầm mặc của đình Kim Ngân ở số nhà 42 và 44 phố Hàng Bạc là điểm dừng chân thú vị trong hành trình khám phá phố cổ. Ðình Kim Ngân được xây dựng vào cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16, thờ ông tổ bách nghệ (ông tổ trăm nghề) Hiên Viên. Vào ngày rằm, mồng một hằng tháng (âm lịch), người dân ở phố Hàng Bạc và các phố lân cận vẫn đến đình thắp hương, tỏ lòng thành kính với ông tổ nghề. Ðình Kim Ngân vẫn giữ được kiến trúc truyền thống của một ngôi đình Bắc Bộ với nghi môn, sân, khu đình chính hình chữ "Công". Trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật, kiến trúc mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ 18, 19. Ðình Kim Ngân còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa của khu phố cổ. Vào các tối cuối tuần, tại đây tổ chức trình diễn ca trù, thu hút nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài. Trong không gian trầm mặc, cổ kính của ngôi đình cổ, được lắng nghe tiếng phách giòn căng, tiếng đàn đáy trầm đục cùng điệu "âm ư" đặc trưng của các làn điệu ca trù do các ca nương Câu lạc bộ ca trù Hà Nội biểu diễn chắc chắn sẽ là những trải nghiệm khó quên đối với khách du lịch.