Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, đồng chí Võ Tấn Đức, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết một loạt khó khăn, vướng mắc phát sinh mà chính quyền đang phải đối mặt xử lý và giải pháp căn cốt liên quan công tác chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông nhằm kịp đưa vào khai thác cùng thời điểm Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động.
Vào cuộc đồng bộ tạo nên thay đổi rõ rệt diện mạo
Phóng viên: Xin đồng chí thông tin một số kết quả nổi bật xuất hiện trong quá trình tỉnh Đồng Nai thực hiện lĩnh vực đột phá đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thời gian gần đây?
Đồng chí Võ Tấn Đức: Trong những năm qua tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực rất lớn cho việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện tại trong 24 công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, chỉ tính riêng các dự án giao thông đường bộ cũng đã có tới 16 dự án, trong đó có 2 dự án trọng điểm quốc gia về giao thông đang triển khai là đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng nguồn vốn bố trí cho các công trình, dự án trọng điểm sau điều chỉnh, bổ sung đến tháng 7 vừa qua là hơn 7.636 tỷ đồng, chiếm hơn 37% tổng nguồn vốn ngân sách năm 2024 của tỉnh. Các dự án đang được tỉnh thực hiện rất quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ. Trong những tháng vừa qua tình hình giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án này đã có những chuyển biến tích cực.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại các công trình, dự án trọng điểm trong tháng 8 vừa qua cũng cao hơn mức bình quân chung về giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh. Cụ thể, số vốn giải ngân trong tháng 8 đã tăng thêm gần 12% so với thời điểm cuối tháng 7 trước đó.
Dù việc giải ngân vốn đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn chậm hơn so với kỳ vọng lãnh đạo tỉnh đặt ra. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tiếp tục đôn đốc để việc giải ngân vốn đầu tư công đạt yêu cầu.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức kiểm tra tiến độ một dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. |
Phóng viên: Đúng là ai nấy đều dễ dàng cảm nhận chỉ trong một thời gian ngắn, diện mạo giao thông từ nông thôn đến thành thị đã cải thiện rõ rệt, đặc biệt chưa bao giờ “đại công trường” Đồng Nai lại thi công náo nhiệt, khẩn trương, hối hả như hiện nay. Theo đồng chí đâu là nguyên nhân chủ quan cốt lõi làm nên thành công bước đầu vừa qua?
Đồng chí Võ Tấn Đức: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chọn giao thông là một trong 4 lĩnh vực đột phá. Việc tỉnh đã bám sát Nghị quyết để triển khai thực hiện là rất quan trọng. Đồng Nai thời gian ngắn tới đây sẽ có đầy đủ tới 5 phương thức giao thông là: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường hàng hải và đường thủy nội địa. Tất cả đều phải được tính toán đầu tư để đồng bộ kết nối với nhau.
Đầu tư cho hạ tầng đòi hỏi nguồn lực rất lớn, công tác giải phóng mặt bằng rất phức tạp thường kéo dài. Nhận diện được những khó khăn, vướng mắc trong khâu thực hiện, Tỉnh ủy đã thành lập Tổ chỉ đạo thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Tổ trưởng.
Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, tạo bệ phóng phát triển cho toàn vùng
Phóng viên: Trước nghịch lý là tỉnh nhiều năm liên tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về công nghiệp hoá nhưng tỷ lệ đô thị hóa lại rất thấp, phải chăng chính quyền tỉnh đã tính toán những giải pháp khác biệt về ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhằm tăng nhanh tỷ lệ đô thị hóa thời gian tới, thưa đồng chí?
Đồng chí Võ Tấn Đức: Đồng Nai là tỉnh có diện tích rộng và khá đa dạng về mặt hệ sinh thái, có công nghiệp, nông nghiệp, có rừng, có hệ thống sông hồ phong phú. Chính vì vậy, việc phát triển đô thị cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp nhằm phát huy lợi thế của từng vùng.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, thì Đồng Nai có 19 đô thị, bao gồm 1 đô thị loại I (thành phố Biên Hòa); 2 đô thị loại II (thành phố Long Khánh và đô thị Nhơn Trạch); 1 đô thị loại III (Long Thành), 7 đô thị loại IV (Thị xã Trảng Bom, Dầu Giây, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh An, Long Giao, Gia Ray) và 8 đô thị loại V (Hưng Lộc, Gia Kiệm, Quang Trung, Gia Tân 1, La Ngà, Phú Túc, Thạnh Phú, Sông Ray). Đến giai đoạn 2030-2050, Đồng Nai sẽ có 26 đô thị, bao gồm 3 đô thị loại I (thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh và đô thị Nhơn Trạch); 1 đô thị loại II (thành phố Long Thành), 1 đô thị loại III (thành phố Trảng Bom); 7 đô thị loại IV (thị xã Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh An, Thạnh Phú, Long Giao, Gia Ray) và 14 đô thị loại V.
Đồng Nai đang rất cần ý tưởng táo bạo, cách làm mới về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. |
Về phát triển không gian sẽ theo 3 vùng kinh tế-xã hội với những đặc trưng cụ thể như: Vùng phía tây là vùng động lực đô thị-dịch vụ-công nghiệp; hạt nhân phát triển chính là chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai: Biên Hòa-Long Thành-Nhơn Trạch. Vùng phía đông là vùng động lực phát triển công nghiệp-nông nghiệp-dịch vụ với thành phố Long Khánh làm hạt nhân trung tâm. Vùng phía bắc là vùng động lực phát triển nông nghiệp-du lịch-sinh thái với cặp đô thị Định Quán-Tân Phú là hạt nhân trung tâm.
Liên kết không gian của tỉnh Đồng Nai trên cơ sở phát triển 6 hành lang và 3 vành đai là: hành lang sông Đồng Nai; hành lang Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và Quốc lộ 51; hành lang đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Phan Thiết; hành lang Quốc lộ 1 và đường sắt bắc-nam; hành lang Quốc lộ 20 và đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú; hành lang cao tốc Bến Lức-Long Thành. Ba vành đai gồm: Vành đai 4 vùng Thành phố Hồ Chí Minh; vành đai Quốc lộ 56-đường tỉnh 762; vành đai liên kết Đồng Nai-Bà Rịa Vũng Tàu.
Phóng viên: Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án giao thông lặp lại tình trạng chậm trễ, không đạt kế hoạch đề ra trong nhiều năm liền. Để xoay chuyển tình hình, trong những nhóm giải pháp cần thiết, thì việc ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu được Ủy ban nhân dân tỉnh hành động nghiêm túc như thông điệp người đứng đầu chính quyền tỉnh đã nhiều lần quán triệt?
Đồng chí Võ Tấn Đức: Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành các chỉ thị và tổ chức ký kết thi đua giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Tôi cũng thường xuyên nhấn mạnh trong các cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phải tập trung chỉ đạo điều hành, việc này gắn trách nhiệm với người đứng đầu.
Vừa qua tại Hội nghị giao ban các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh tháng 9-2024, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng yêu cầu cuối năm các cơ quan phải có báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về số vốn tồn, chưa giải ngân của từng dự án. Địa phương nào để vốn tồn nhiều thì bí thư, chủ tịch địa phương đó phải hạ một cấp thi đua. Đó là thông điệp rất rõ ràng.
Phóng viên: Liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù cần quan tâm đúng mức, tạo điều kiện thuận lợi cho Đồng Nai nhanh chóng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, lúc này có vấn đề nào cấp bách ngoài tầm tay giải quyết của tỉnh mà đồng chí muốn kiến nghị với Trung ương?
Đồng chí Võ Tấn Đức: Nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp để thi công các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề cần phải tháo gỡ. Hiện tại, các công trình trọng điểm quốc gia đang bị thiếu nguồn đất đắp nền.
Các dự án giao thông của địa phương đầu tư cũng khá nhiều và nhu cầu vật liệu san lấp là rất lớn. Tỉnh cũng mong Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ Đồng Nai tháo gỡ vấn đề này.
Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai sắp hoàn thành. |
Tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn vùng
Phóng viên: Với những bước đi kiên quyết, năng động, sáng tạo, hứa hẹn chẳng bao lâu nữa vùng đất Đồng Nai sẽ khoác lên mình tấm áo mới đầy sức sống với bức tranh hạ tầng giao thông thật sự thuận tiện. Đồng chí có thể dự báo khái quát tiềm năng phát triển của Đồng Nai khi dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành cùng hàng loạt tuyến giao thông kết nối vùng hoàn thành, đưa vào khai thác?
Đồng chí Võ Tấn Đức: Các dự án hạ tầng quan trọng ở Đồng Nai sẽ hoàn thiện trong thời gian tới bao gồm giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức-Long Thành, cảng Phước An, đường sắt đô thị … và từng bước đầu tư, khởi động các dự án trọng điểm khác như Vành đai 4, cao tốc Dầu Giây-Liên Khương, đường sắt Biên Hòa-Phú Mỹ, sân bay lưỡng dụng Biên Hòa sẽ tạo ra động lực mới cho Đồng Nai ở những năm tới. Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai và thu hút đầu tư có chọn lọc vào các khu công nghiệp và từng bước hoàn thành các đô thị ven sông hiện đại, đẳng cấp.
Khi các hạ tầng trọng điểm được kết nối hoàn thiện Đồng Nai sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư hơn nữa với những ngành công nghiệp phát triển hàng đầu, tập trung công nghiệp 4.0, với các trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu & phát triển và giáo dục nghề nghiệp hiện đại. Bên cạnh đó là Trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển của miền Nam, lấy cảng hàng không quốc tế Long Thành làm hạt nhân để phát triển.
Có những đô thị hiện đại ven sông, đô thị sinh thái hiện đại, thông minh và đáng sống cho người dân và chuyên gia. Tích hợp các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và y tế chất lượng cao. Đồng Nai sẽ trở thành nền kinh tế năng động và là động lực, cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tạo hiệu ứng phát triển lan tỏa cho toàn vùng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí và chúng ta cùng hy vọng mạng lưới giao thông xuất hiện dày đặc, hiện đại sẽ tạo nên sức bật ấn tượng rộng khắp cho Đồng Nai, khu vực Đông Nam Bộ trong tương lai gần!