Đồng Nai quyết tâm đi đầu phát triển công nghiệp cao, có hệ thống hạ tầng hoàn thiện, hiện đại, là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch dịch vụ gắn với văn hóa tín ngưỡng và đô thị đẳng cấp quốc tế với mô hình đô thị thông minh bền vững, đáng sống, nơi tập trung trí tuệ và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính “Net Zero”.
Sân bay Long Thành - biểu tượng phát triển, khát vọng vươn lên
Tọa lạc ở vị trí cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam Bộ với nhiều vùng kinh tế của Việt Nam và hướng ra quốc tế, Đồng Nai là mắt xích quan trọng trong liên kết nội vùng với 5 phương thức giao thông bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải quốc tế, hàng không.
Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định Đồng Nai thuộc Vùng động lực phía nam về kinh tế, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Ngay từ bây giờ, tỉnh xác định những dư địa mới cần được đánh thức và khai thác hiệu quả, như phát triển chuỗi đô thị, du lịch, dịch vụ dọc tuyến sông Đồng Nai, vùng phụ cận sân bay Biên Hòa và điểm nhấn là sân bay Long Thành. Đồ án Quy hoạch tỉnh Đồng Nai lần này xác định lấy sân bay Long Thành làm trung tâm động lực mới cho phát triển đột phá, đưa tỉnh trở thành đầu mối lớn về giao thông và logistic; thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, sớm trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại.
Quy hoạch tạo bệ phóng cho Đồng Nai “cất cánh”
Theo đó, sân bay Long Thành dự kiến khai thác giai đoạn 1 vào tháng 9 năm 2026, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cả nước mà còn là động lực mới cho phát triển đột phá của Đồng Nai, là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư vào tỉnh. Dự án sân bay Long Thành trở thành biểu tượng phát triển, khát vọng vươn lên của Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai, là cơ hội “mở cửa” bầu trời để nơi đây trở thành trung tâm trung chuyển khu vực, kết nối với các nước trên thế giới, đưa vùng đất này “cất cánh”.
Một góc khu đô thị tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. |
Đồng Nai đang nỗ lực thôi thúc ý tưởng mới mẻ, táo bạo kiến tạo phát triển đô thị sân bay Long Thành, tập trung phát triển hạ tầng, hoàn thiện kết nối sân bay với hệ thống đường cao tốc, đường sắt quốc gia.
Phát triển khu đô thị tại cửa ngõ phía tây nam sân bay quốc tế Long Thành, trở thành trung tâm tài chính - dịch vụ hàng không, địa điểm giao lưu thương mại, ngoại giao, văn hoá giữa Việt Nam và thế giới.
Phát triển tuyến công nghiệp - logistics kết nối sân bay với hệ thống cảng biển Cái Mép-Thị Vải. Hình thành các khu, cụm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, phát triển xanh và thân thiện môi trường ở phía đông nam sân bay, liên kết với hệ thống công nghiệp - dịch vụ hậu cần cảng biển Cái Mép-Thị Vải.
Phát triển chuỗi đô thị-công nghiệp-dịch vụ liên kết sân bay Long Thành với các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, vùng Đông Nam Bộ theo trục cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51 và Vành đai 4 vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi đi vào hoạt động, dự án kỳ vọng có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 1-2%/năm. Thêm một lợi thế kinh tế hàng không đối với tỉnh là sân bay Biên Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển thành sân bay lưỡng dụng.
Trong khi đó, sông Đồng Nai được đồ án quy hoạch xác định là một trục kinh tế năng động của tỉnh giai đoạn mới. Việc bảo vệ và phát triển cân bằng, hợp lý cảnh quan xanh toàn tuyến ven sông kết hợp các mô hình phát triển dịch vụ, đô thị, du lịch sinh thái có chọn lọc; duy trì, tối ưu hóa cấu trúc mạng lưới kênh rạch ven sông Đồng Nai sẽ tạo động lực phát triển mới. Xây dựng tuyến đường ven sông và các đô thị ven sông, xâu chuỗi liên hoàn các hoạt động du lịch, văn hoá, dịch vụ tạo sức hút mới. Tỉnh sẽ triển khai xây dựng các cầu bắc qua sông liên kết mạnh mẽ với Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương.
Sông Đồng Nai được xác định là một trục kinh tế năng động của tỉnh Đồng Nai giai đoạn mới. |
Quy hoạch là “chìa khoá” để thu hút đầu tư
Cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng đã được định vị, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định đó là đội ngũ, là tư duy năng động, sáng tạo, quyết tâm chính trị và trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên đưa Đồng Nai sớm “cất cánh” cùng sân bay Long Thành.
Thời gian này, tỉnh đang tiến hành hoạch định lại không gian, dành đất cho phát triển bền vững. Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà cho biết: “Ngành đang tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch như điều chỉnh tổng thể quy hoạch thành phố Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch; thi ý tưởng quy hoạch vùng sân bay Biên Hòa, sân bay Long Thành, chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1, thi kiến trúc công trình để tìm ra mô hình phù hợp nhất cho Trung tâm Chính trị -Hành chính tỉnh Đồng Nai chuyển về khu công nghiệp Biên Hoà 1.
Và dòng sông Đồng Nai cũng còn nhiều dư địa cần phải có bàn tay quy hoạch để định hướng phát triển như các nước trên thế giới cũng đã lấy lợi thế từ dòng sông để phát triển du lịch, thương mại”.
Quan điểm nhất quán lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quán triệt sâu sắc trong đội ngũ là phải thấm nhuần tư duy chọn nhà đầu tư tốt nhất, nhà thầu tốt nhất, ý tưởng tốt nhất cho sự phát triển của tỉnh, vì lợi ích quốc gia, lợi ích của tỉnh Đồng Nai và nhân dân. Kiên định mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thu hút đầu tư có chọn lọc, không thu hút ồ ạt, để bảo đảm cho một tương lai vững chắc của tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn tiếp theo, từ đó kiểm soát có hiệu quả việc thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường.
Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà báo cáo với Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội về giải pháp tháo gỡ vướng một khu đô thị tại thành phố Biên Hòa. |
Do đó, đối với các dự án đầu tư vào tỉnh, bắt buộc phải có hàm lượng cao về công nghệ, giá trị gia tăng cao, không được phép thâm dụng lao động và gây xâm hại môi trường.
Với tư duy đột phá, tầm nhìn, mục tiêu, lộ trình rõ ràng nhằm phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, tỉnh Đồng Nai xác định đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển trong nhóm dẫn đầu của cả nước, đi đầu trong phát triển về kinh tế hàng không, công nghiệp hiện đại-có công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; lấy sân bay Long Thành làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế trên các lĩnh vực hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ và logistics.
Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc, đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đạt đẳng cấp quốc tế.
Người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền tỉnh đang chỉ đạo gắt gao nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua việc cải thiện môi trường thu hút đầu tư, trong đó sẵn sàng đón tiếp, thực hiện thủ tục, phê duyệt dự án đầu tư; minh bạch trong tiếp cận thông tin và công tâm lựa chọn Nhà đầu tư, nhà thầu.
Tỉnh nghiêm túc tiếp xúc, lắng nghe và giải quyết kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển bứt phá của tỉnh, nhằm sớm hiện thực hóa niềm tin, khát vọng mãnh liệt được gửi gắm vào đồ án quy hoạch giai đoạn mới.
>> Quyết giữ vững vị thế đứng đầu cả nước về phát triển công nghiệp