Đồng Nai tạo sức bật kinh tế từ hệ thống giao thông đồng bộ

Sau hàng thập kỷ tăng trưởng ở mức cao, kinh tế tỉnh Đồng Nai những năm gần đây có dấu hiệu chựng lại và tốc độ suy giảm rõ rệt, dẫn đến khả năng tụt hậu so với các địa phương chung quanh. Một trong những nguyên nhân được nhận diện là hệ thống hạ tầng giao thông chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Trong bối cảnh đó, hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng, thúc đẩy hoàn chỉnh đầu tư hệ thống giao thông kết nối sân bay Long Thành với vùng Đông Nam Bộ tỏa đi mọi hướng được gấp rút hoàn thành.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công đường giao thông T1 kết nối sân bay Long Thành.
Thi công đường giao thông T1 kết nối sân bay Long Thành.

Đồng Nai đang tích cực triển khai các công trình giao thông trọng điểm kết nối từ sân bay đến các khu vực nội tỉnh. Tất cả cùng nỗ lực cao độ, phấn đấu khơi thông điểm nghẽn hạ tầng giao thông, giải tỏa không gian phát triển, tạo động lực đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho vùng đất đắc địa.

Mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn

Tăng trưởng kinh tế bình quân tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2000-2005 đạt 12,86%/năm; 2005-2010 đạt 13,55%; 2011-2015 đạt 8%; 2015-2020 đạt 7,8% và giai đoạn 2020-2025 dự kiến chỉ đạt 6%.

Đặt vấn đề Đồng Nai có vị thế lớn, tiềm năng thực lực nhiều nhưng tại sao dịch chuyển tốc độ kinh tế rất khó khăn, cơ cấu công nghiệp thay đổi đẳng cấp rất chậm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lý giải nguyên nhân chủ yếu nằm ở chỗ đầu tư công cho vùng Đông Nam Bộ suốt một thời gian trước đây khá yếu, ngay cả các tuyến đường vành đai cũng không được tháo gỡ. Muốn thúc đẩy tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế cho Đồng Nai, khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, không còn cách nào khác phải giải tỏa ách tắc về hạ tầng giao thông kết nối. Việc Trung ương quyết định làm sân bay Long Thành sẽ giải quyết căn bản những vấn đề tồn đọng ở tầm quốc gia, trong bối cảnh đua tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Hơn thế, còn giúp định hình một tư duy chuyển động mới cho Đồng Nai dựa trên tọa độ trung tâm là sân bay trung chuyển quốc tế gắn liền với cụm cảng biển trung chuyển quốc tế. Sự kết hợp hướng tuyến giao thông kết nối này sẽ giúp cộng hưởng sức mạnh toàn vùng.

Sân bay Long Thành có sứ mệnh giải quyết tắc nghẽn của quốc gia về hàng không, giao thông đô thị và kết nối vùng, kết nối Việt Nam với thế giới, dự báo, sau khi đi vào hoạt động có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP của đất nước từ 3-5%/năm. Đồng Nai, nơi đặt sân bay Long Thành, là địa điểm chiến lược cho sự lựa chọn đó để hình thành một cấu trúc phát triển kinh tế mới. Đây chính là yếu tố then chốt để nâng tầm kinh tế vùng trọng điểm Đông Nam Bộ.

Các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh và mạng lưới đường cao tốc đang được gấp rút thực hiện. Trong đó, sân bay Long Thành giữ vai trò trung tâm của các dự án, khi đi vào khai thác sẽ góp phần đáng kể kéo giảm tình trạng quá tải sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, mở thêm không gian phát triển xứng tầm cho Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Hệ thống giao thông đường sắt kết nối đến sân bay Long Thành được quy hoạch ba tuyến. Cùng với đó, hệ thống cảng biển trên địa bàn đã được quy hoạch, đang được tích cực đầu tư xây dựng để phục vụ tàu có tải trọng 30.000 DWT-60.000 DWT cập bến.

Nhằm khai thác hiệu quả khâu lưu trữ, xuất nhập hàng hóa và các dịch vụ logistics, tỉnh đưa ra ý tưởng quy hoạch bốn trung tâm logistics, bao gồm: Khu phía đông bắc sân bay Long Thành thuộc huyện Cẩm Mỹ; khu phía nam sân bay tại huyện Long Thành; tổng kho trung chuyển miền đông tại huyện Trảng Bom; và một trung tâm logistics khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An, huyện Nhơn Trạch. Với loạt trung tâm logistics và kho bãi có thế mạnh tiếp giáp, thuận tiện thông thương, kết hợp với sân bay Long Thành, hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ, đường sắt, cảng biển sẽ hợp thành sức mạnh to lớn, tạo động lực bứt phá mạnh mẽ kinh tế vùng sân bay và phụ cận.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án

Các dự án giao thông trong danh mục đầu tư có quy mô lớn, đẳng cấp cao nhưng lại cần tốc độ thực hiện nhanh, trong khi nguồn lực còn hạn chế, là một thách thức lớn đặt ra với Đồng Nai, do đó, tỉnh không thể thực hiện xong trong "một sớm, một chiều". Thực tế cho đến hiện tại, phần lớn các tuyến cao tốc, đường vành đai kết nối vùng đang thi công dở dang, chưa theo kịp kỳ vọng phát triển kinh tế; các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị đòi hỏi nguồn vốn lớn, công nghệ, kỹ thuật phức tạp, dẫn đến việc kêu gọi đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Nhìn nhận khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống giao thông của Đồng Nai, nhất là trong những năm đầu, mà nếu các tuyến đường huyết mạch không được đầu tư nâng cấp, mở rộng kịp thời thì sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đang dốc sức hành động, chỉ đạo quyết liệt.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, để tránh việc tất cả các phương tiện tập trung về tuyến T1 vào sân bay Long Thành, Sở Giao thông vận tải khẩn trương trình hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư tuyến ĐT 769E từ ranh sân bay đến đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. Đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam rà soát việc đầu tư tuyến đường trục chính sân bay bảo đảm kết nối với tuyến ĐT 769E, hình thành thêm hướng kết nối phía bắc sân bay, chia sẻ với khu vực phía nam dự kiến sẽ tăng cao khi sân bay đưa vào khai thác. Tỉnh Đồng Nai cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến giao thông kết nối: Đường 25B, 25C, 769, 770B, 773, Biên Hòa-Vũng Tàu, vành đai 3. Sở Giao thông vận tải tích cực phối hợp xúc tiến thực hiện các dự án đường sắt kết nối, cao tốc Bến Lức-Long Thành, mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, hạ tầng giao thông khu vực sân bay Long Thành phải được kết nối đồng bộ và hoàn thiện nhanh chóng. Giao thông từ sân bay tỏa hướng đi các cảng biển thật sự thuận lợi. Để có nguồn lực đầu tư phát triển mạnh hạ tầng vùng động lực sân bay, Đồng Nai cần khoảng 2 tỷ USD và lãnh đạo tỉnh đang tìm nguồn vốn vay. Khẳng định lãnh đạo địa phương đang cố gắng làm hết trách nhiệm, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lạc quan nhận định, với sự quan tâm thiết thực của Trung ương dành cho Đồng Nai về hạ tầng giao thông kết nối, chỉ ba năm nữa thôi, sức hút vùng đất này sẽ quay trở lại trong cơn sóng tìm kiếm môi trường đầu tư của các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới thuộc lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.