Cơ hội, thách thức đối với Đồng Nai khi sân bay Long Thành hoạt động

NDO - Hội thảo chuyên đề “Cơ hội, thách thức đối với Đồng Nai sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động” được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức sáng 30/8, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo quản lý trong và ngoài nước.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, để có nguồn lực đầu tư phát triển mạnh hạ tầng vùng động lực sân bay Long Thành, Đồng Nai cần khoảng 2 tỷ USD và lãnh đạo tỉnh đang tìm nguồn vốn vay thực hiện công việc hệ trọng này.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, để có nguồn lực đầu tư phát triển mạnh hạ tầng vùng động lực sân bay Long Thành, Đồng Nai cần khoảng 2 tỷ USD và lãnh đạo tỉnh đang tìm nguồn vốn vay thực hiện công việc hệ trọng này.

Nhận diện sát, đúng cơ hội và thách thức đặt ra đối với Đồng Nai sau khi sân bay Long Thành chính thức đi vào vận hành, là sự trăn trở lớn của lãnh đạo tỉnh trên hành trình địa phương đang nỗ lực cố gắng thực hiện sứ mệnh Chính phủ giao phát triển sân bay Long Thành trở thành điểm nhấn phát triển của cả nước và khu vực.

Quản trị cơ hội, nhận diện thách thức từ sớm, từ xa

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Võ Tấn Đức, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những năm qua, Đồng Nai được đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo thuận lợi giao thương với các tỉnh/thành của cả nước. Đặc biệt, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) “mở cửa” bầu trời để nơi đây trở thành trung tâm trung chuyển khu vực, kết nối Đồng Nai với các nước trên thế giới.

Dự án sân bay Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia, nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Sau khi đi vào hoạt động, dự án kỳ vọng có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 3 đến 5%/năm. Giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026.

Cơ hội, thách thức đối với Đồng Nai khi sân bay Long Thành hoạt động ảnh 1

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho rằng, sân bay Long Thành “mở cửa” bầu trời để nơi đây trở thành trung tâm trung chuyển khu vực, kết nối Đồng Nai với các nước trên thế giới.

Để phát huy tối đa hiệu quả của dự án, trong Đồ án Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định lấy sân bay Long Thành làm trung tâm động lực mới cho phát triển đột phát, phấn đấu đưa Đồng Nai trở thành đầu mối lớn về giao thông và logistic; khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế hàng không; thu hút ngành công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo sớm trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại vào năm 2030.

Tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều nhiệm vụ như: lập quy hoạch vùng sân bay Long Thành, xây dựng hệ thống giao thông kết nối; quy hoạch hệ thống logistic khu vực vùng sân bay nhằm tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho địa phương cũng như toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Hội thảo chuyên đề lần này nhằm mục đích tiếp nhận chia sẻ, khuyến nghị từ góc nhìn khác nhau của các chuyên gia, nhà quản lý nhằm loại bỏ những hệ quả tiêu cực và tối đa hóa lợi ích đối với một cảng hàng không mới, để tạo động lực cho sự phát triển của Đồng Nai bền vững trong tương lai.

Cần chủ động biến thách thức thành cơ hội

Những ý kiến tham luận, gợi mở quý báu đến từ các chuyên gia, nhà khoa học là cơ hội để tỉnh Đồng Nai có thêm nhiều những ý tưởng để quy hoạch chung quanh sân bay Long Thành phát triển bài bản, đồng bộ, hiện đại. Đồng thời đây là cơ hội để đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh tiếp cận, lĩnh hội những kinh nghiệm, góc nhìn, cách tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, qua đó, có cái nhìn bao quát, toàn diện về mô hình đô thị sân bay, về kinh tế hàng không từ các nước châu Âu, châu Á nổi bật để tận dụng cơ hội, hạn chế rủi ro, áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả tối ưu.

Cơ hội, thách thức đối với Đồng Nai khi sân bay Long Thành hoạt động ảnh 2

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên chia sẻ tại Hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đánh giá sân bay Long Thành không chỉ giúp giải quyết căn cơ những vấn đề đang tồn đọng, ách tắc của Đồng Nai và toàn vùng hiện nay, mà còn giúp định hình một tư duy phát triển rất mới thúc đẩy vùng Đông Nam Bộ chuyển động mạnh mẽ.

Chân dung Đồng Nai đang đặt trên nền tảng phát triển khác biệt, vấn đề còn lại là tỉnh cần mạnh dạn đề xuất với Trung ương những ý tưởng táo bạo, những cơ chế chính sách đặc thù để góp phần biến thách thức thành cơ hội phát triển.

Nhìn nhận thuận lợi đã có Đồ án quy hoạch giai đoạn mới trong tay, chuyên gia này khuyến nghị ba lĩnh vực Đồng Nai cần thay đổi căn bản cấu trúc để phát triển xứng tầm là hạ tầng giao thông kết nối, công nghiệp và đô thị. Nếu làm được điều này, cộng hưởng cùng sức bật do đầu tư công mang lại, sẽ tạo đà cho cả một khu vực tọa độ sân bay phát triển đúng mức, đưa Đồng Nai thành một trung tâm trung chuyển có sức cạnh tranh mang tầm quốc tế.

Với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, phát biểu trao đổi tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định sự quan tâm rõ rệt của Chính phủ dành cho Đồng Nai về đầu tư phát triển hạ tầng nhất là hệ thống giao thông kết nối, Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh bày tỏ lạc quan tin tưởng rằng vùng đất này sẽ tăng tốc “cất cánh” trong tương lai gần.

Hơn nữa, cả vùng Đông Nam Bộ đang được Chính phủ quan tâm thiết thực, thời gian tới sẽ phát triển tươi sáng hơn và chỉ ba năm nữa thôi sức hút của vùng này sẽ quay trở lại, thu hút nhiều nhà đầu tư tầm cỡ tìm đến.

Cơ hội, thách thức đối với Đồng Nai khi sân bay Long Thành hoạt động ảnh 3

Quang cảnh Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh quán triệt phải nhanh chóng đón lấy cơ hội này, nhất là hai tâm mới phát triển của vùng đang dịch chuyển sang cảng Cái Mép và sân bay Long Thành hoàn toàn xứng đáng trở thành động lực mới cho Đông nam bộ, trong đó tỉnh Đồng Nai hưởng lợi nhiều nhất. Ngược lại, nếu Đồng Nai không nghiêm túc tận dụng cơ hội này thì cơn sóng tìm kiếm môi trường đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao sẽ qua đi, đồng nghĩa địa phương chậm chân, bỏ lỡ mất cơ hội quan trọng.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lắng nghe, tiếp thu các ý kiến tâm huyết tại hội thảo để suy nghĩ, hành động quyết liệt. Cá nhân đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu chính quyền tỉnh nhận diện rõ 5 thách thức để kịp thời có giải pháp phù hợp.

Thứ nhất là chất lượng nguồn nhân lực, phải đào tạo, cung ứng đủ nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc, cống hiến phục vụ sân bay Long Thành. Muốn làm được điều đó, trước hết cần thu hút các cơ sở đào tạo bài bản chuyên sâu, xây dựng trường lớp ngay tại Đồng Nai. Đồng chí nhắc lại thông điệp, tránh tình trạng người lao động tại chỗ thất nghiệp, trong khi doanh nghiệp vùng sân bay thiếu hụt lao động. Do đó, ngành chức năng cần làm ngay việc kết nối người lao động với các cơ sở đào tạo, không thể chậm trễ được nữa.

Thứ hai là hạ tầng giao thông khu vực sân bay, phải được kết nối đồng bộ và hoàn thiện nhanh chóng. Giao thông từ sân bay tỏa hướng đi các cảng phải thật sự thuận lợi. Theo đó, để có nguồn lực đầu tư phát triển mạnh hạ tầng vùng động lực sân bay, Đồng Nai cần khoảng 2 tỷ USD và lãnh đạo tỉnh đang tìm nguồn vốn vay thực hiện công việc hệ trọng này.

Thứ ba là phát triển dịch vụ phục vụ hoạt động ngoài sân bay, điển hình như đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ, mua sắm của du khách và logistics hàng không. Tất cả lĩnh vực này phải được thúc đẩy ngay từ bây giờ, nếu không sẽ chậm nhịp.

Cơ hội, thách thức đối với Đồng Nai khi sân bay Long Thành hoạt động ảnh 4
Nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1 đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để đưa vào khai thác tháng 8/2026.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm công bố 100 dự án về phát triển dịch vụ cho sân bay Long Thành, thu hút đầu tư cho kịp tiến độ sân bay đi vào hoạt động theo dự kiến ban đầu tháng 9/2026. Lưu ý phải tìm kiếm, kêu gọi, thu hút cho được nhà đầu tư có tiềm lực cạnh tranh đủ mạnh để có thể đáp ứng quy mô nguồn vốn và tốc độ triển khai thực hiện dự án.

Thứ tư phải bảo đảm môi trường vùng sân bay, vấn đề này càng đặt ra cấp thiết trong tiến trình tỉnh Đồng Nai cùng cả nước thực hiện cam kết Net Zero của Chính phủ với cộng đồng quốc tế. Nằm trong xu hướng phát triển đô thị xanh, thì sân bay Long Thành phải đón đầu, chính quyền cần phối hợp tốt với các nhà đầu tư, đơn vị vận hành bảo vệ môi trường.

Và thứ năm là phòng, chống tội phạm mạng công nghệ cao nhắm vào khu vực sân bay.

Tất cả những thách thức trên đòi hỏi Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh phải nghiên cứu, đề ra các giải pháp chủ động khắc phục, vượt lên trong thời gian tới. Có như vậy, tỉnh Đồng Nai mới hiện thực hóa thành công mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước, kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao.