Bài 1: Quyết giữ vững vị thế đứng đầu cả nước về phát triển công nghiệp
Không muốn Đồng Nai đánh mất ngôi vị đứng đầu về phát triển công nghiệp, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh yêu cầu các ngành chức năng nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh, tạo sự hấp dẫn của các khu công nghiệp, bằng cách thay đổi diện mạo, nâng cấp dịch vụ tiện ích đi kèm, tạo ra những dịch vụ hạ tầng chất lượng cao, phong cách phục vụ chuyên nghiệp.
Đồng Nai hiện đã có 46 quốc gia, vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư 1.667 dự án với tổng vốn khoảng 34,84 tỷ USD.
Trong đó, Hàn Quốc đứng thứ nhất, kế đến là Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... Các nhà đầu tư này luôn xem Việt Nam-Đồng Nai là đối tác chiến lược để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỉnh ưu tiên thu hút những dự án có hàm lượng công nghệ cao, chú trọng phát triển 3 nhóm sản phẩm mũi nhọn gồm: công nghiệp hàng không; công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo; thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin. Loại hình này tiêu tốn đất không nhiều, ít thâm dụng lao động, thân thiện môi trường, nhưng giá trị gia tăng cao, đóng thuế lớn.
Dòng vốn đầu tư chảy mạnh trở lại Đồng Nai
Thu hút vốn đầu tư vào Đồng Nai đạt kết quả rất khả quan, khi 8 tháng đầu năm 2024 đã vượt xa kế hoạch ban đầu đề ra về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,089 tỷ USD, tăng 35% so cùng kỳ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, nhiều dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch ở các khu công nghiệp liên tục đi vào hoạt động như nhà máy sản xuất vi mạch sử dụng công nghệ cao, môi trường sản xuất sạch của Công ty On Semiconductor Việt Nam (vốn đầu tư Hoa Kỳ) hoạt động tại khu công nghiệp Biên Hòa II, nhà máy chế biến hạt cà-phê khử caffein có công nghệ tách caffein hiện đại nhất, thân thiện với môi trường của Công ty Nestlé Việt Nam (vốn đầu tư Thụy Sĩ) tại khu công nghiệp Amata...
Theo Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Nguyễn Trí Phương, một số dự án điển hình, có quy mô tương đối lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư thời gian gần đây như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Silicon Carbide Việt Nam và dự án Advanced Optics cùng thuộc Tập đoàn Coherent (Hoa Kỳ) với tổng vốn đầu tư 83 triệu USD tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (huyện Nhơn Trạch), nhà máy Điện tử Regza Việt Nam có vốn đầu tư 40 triệu USD, tại khu công nghiệp Long Thành (huyện Long Thành)...
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư trong nước hơn 42 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 1,66 tỷ USD), gấp gần 5 lần so cùng kỳ, cho thấy Đồng Nai đang là điểm đến ấn tượng của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp. Số doanh nghiệp trong nước gia nhập thị trường sôi động, phấn chấn trở lại sau một thời gian ảm đạm do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, còn cho thấy kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét, đi lên ổn định.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, trong 8 tháng qua, có hơn 3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn trên 20,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023 và ngành nghề đa dạng trên nhiều lĩnh vực như: thương mại dịch vụ, xây dựng, sản xuất, chế biến nông sản, công nghiệp…
Sản xuất tại một doanh nghiệp FDI ở Khu công nghiệp Amata, tỉnh Đồng Nai. |
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 7,37%, cao hơn nhiều so cùng kỳ năm 2023. Cộng thêm thuận lợi thị trường xuất khẩu một số mặt hàng có dấu hiệu hồi phục, đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 15,6 tỷ USD, tăng 8,6%; kim ngạch nhập khẩu đạt 11,3 tỷ USD, tăng 8,7% so cùng kỳ. Giá trị xuất siêu trên địa bàn tỉnh đạt trên 4,3 tỷ USD.
Số liệu thống kê từ Cục Hải quan Đồng Nai ghi nhận, trong tháng 8 vừa qua, số đăng ký thủ tục hải quan tại đơn vị đạt gần 3 nghìn doanh nghiệp, tăng 380 trường hợp, tương đương cao hơn 15% so cùng kỳ năm 2023. Đến nay, tổng số doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại đơn vị này đạt trên 5,2 nghìn doanh nghiệp. Thời gian qua, Cục Hải quan Đồng Nai luôn sâu sát theo dõi, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp qua các kênh trực tiếp và trực tuyến để hỗ trợ tháo gỡ, thông suốt.
Thủ tục cấp phép đầu tư hiện nay thực hiện đăng ký trên phần mềm điện tử được công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc của tỉnh, do đó, nhà đầu tư có thể đăng ký ở bất cứ đâu và được hướng dẫn cụ thể nếu có trục trặc. Đối với thủ tục hành chính liên quan doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã phân cấp, ủy quyền cho một đầu mối là Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, nên nhà đầu tư chỉ cần liên hệ duy nhất địa chỉ này.
Dư địa thu hút đầu tư giàu tiềm năng, triển vọng lớn
Tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian gần đây xu hướng chậm dần do sức hấp dẫn thu hút đầu tư, sức cạnh tranh ngày càng giảm, công nghệ lạc hậu, giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp thấp, chủ yếu vẫn là các ngành thâm dụng lao động, tài nguyên; sự gắn kết giữa công nghiệp với thương mại-dịch vụ, nông nghiệp còn hạn chế. Tỉnh chưa thu hút được nhiều dự án có công nghệ tiên tiến; quy mô và chất lượng các loại hình dịch vụ vẫn ở mức nhỏ.
Để thay đổi, cải thiện tình hình, tỉnh định hướng thu hút đầu tư, cũng như chuyển đổi các dự án hiện hữu hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững. Với chính sách đúng đắn và thái độ dứt khoát của chính quyền địa phương, khoảng 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hầu hết có máy móc công nghệ đáp ứng yêu cầu và những dự án được chấp thuận đều thuộc lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư.
Mục tiêu đến năm 2025, hơn 80% doanh nghiệp sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, thân thiện với môi trường, phát triển các khu công nghiệp mới, có tính chất chuyên sâu, đạt hiệu quả cao hơn về kinh tế, môi trường, xã hội... Lãnh đạo tỉnh đang hành động khẩn trương thúc đẩy tăng trưởng xanh, xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp và trung tâm logistics, theo đuổi mục tiêu “Net- Zero”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng và đại diện lãnh đạo Cục Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Vùng Kansai ký kết bản thỏa thuận hợp tác lần thứ 5. (Ảnh: XUÂN NƯƠNG) |
Ngay trước thềm hội nghị công bố quy hoạch gắn với xúc tiến đầu tư vào Đồng Nai, từ ngày 9-15/9, đoàn xúc tiến thương mại của tỉnh đã trực tiếp có mặt tại Nhật Bản - quốc gia hiện đứng thứ hai về số dự án (278 dự án) và thứ ba về số vốn (5,23 tỷ USD) đầu tư ở Đồng Nai. Dịp này, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tái ký kết Khung hợp tác kinh tế lần thứ 5 với Cục Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Vùng Kansai, đi sâu 3 lĩnh vực chủ yếu, gồm: Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; đào tạo và cung cấp nhân lực cho ngành công nghiệp; môi trường-tiết kiệm năng lượng.
Đây là kết quả thực chất đạt được sau thành công đợt xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và Nhật Bản, do Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh làm trưởng đoàn, hồi tháng 4 năm nay. Đồng Nai kỳ vọng các tập đoàn, công ty lớn của hai nước trên đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ. Lãnh đạo tỉnh đã chủ động, thiện chí tiếp cận, mời gọi các tập đoàn lớn có công nghệ cao, đồng thời thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ sạch, không thâm dụng lao động để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Gần đây, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới về công nghệ cao, sản xuất bán dẫn đến tìm hiểu và dự tính đầu tư nhà máy sản xuất tại Đồng Nai, cho biết, đang muốn tham gia các ngành như công nghiệp bán dẫn, AI, thương mại dịch vụ, logistics, hạ tầng kỹ thuật. Tổng lãnh sự của một số nước tại Thành phố Hồ Chí Minh khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng thông tin, nhiều tập đoàn lớn đang rất muốn đầu tư vào địa phương.
Hạ tầng của các khu công nghiệp ở Đồng Nai về cơ bản đáp ứng các nhu cầu của nhà đầu tư. |
Hiện nay, điều kiện hạ tầng của các khu công nghiệp ở Đồng Nai về cơ bản đáp ứng tốt các nhu cầu của nhà đầu tư. Trong đó, một số khu công nghiệp có điều kiện hạ tầng rất tốt, được nhà đầu tư đánh giá cao như: Amata, Biên Hòa 2, Long Đức, Nhơn Trạch 6…
Theo quy hoạch phát triển khu công nghiệp của nước ta đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài 31 khu công nghiệp đã hình thành, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 8 khu công nghiệp mới, gồm: Long Đức giai đoạn 2, Long Đức 3, Cẩm Mỹ, Gia Kiệm, Phước Bình, Phước Bình 2, Bàu Cạn-Tân Hiệp, Xuân Quế-Sông Nhạn. Tuy nhiên, quỹ đất các khu công nghiệp còn lại rất ít, không đủ sức hút với các nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế.
Do đó, việc nhanh chóng thành lập 8 khu công nghiệp mới theo quy hoạch được xem là giải pháp quyết định để Đồng Nai tiếp tục giữ vị thế tốp các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, phát triển công nghiệp theo hướng bền vững. Tỉnh đang gấp rút phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện hồ sơ để thành lập các khu công nghiệp và bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng kỹ thuật, kịp thời bổ sung quỹ đất sạch, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư lớn.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, để đạt được những kết quả vượt bậc hơn nữa về thu hút đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp rà soát dự án, sát sao tháo gỡ từng nội dung vướng mắc, đồng thời thúc đẩy hai lĩnh vực là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ chặng đường dài phía trước. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư phát triển hạ tầng trong hơn nửa nhiệm kỳ qua lên đến 223 nghìn tỷ đồng, cũng không nằm ngoài lộ trình kiến tạo không gian phát triển xứng tầm, nâng cao sức hút đầu tư vào Đồng Nai.
(Còn tiếp...)