So với nhiều địa phương khác, Tây Hồ không phải địa bàn có số sản phẩm OCOP lớn, nhưng Tây Hồ lại là điển hình của phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP. Hiện nay trên địa bàn có hơn 40 sản phẩm OCOP được thành phố đánh giá, công nhận. Nhưng điều đặc biệt là hầu hết sản phẩm được đưa vào khai thác trong hoạt động du lịch. Điển hình như các loại bánh truyền thống đặc trưng của quận (bánh nướng, bánh dẻo, bánh chả, bánh cốm…) của các doanh nghiệp, hộ gia đình như: Hộ kinh doanh bánh trung thu Bảo Phương; hộ kinh doanh Thanh Vân; hộ kinh doanh Đỗ Thế Gia... hay sản phẩm trà sen Tây Hồ, nổi bật nhất là sản phẩm trà sen Hiền Xiêm của hộ kinh doanh Lưu Thị Hiền (phường Quảng An)... Ngoài ra, một số sản phẩm của làng xôi Phú Thượng từ lâu được biết đến với tư cách sản phẩm OCOP bốn sao. Những sản phẩm này vừa được du khách tiêu thụ khi đến địa bàn Tây Hồ, vừa là món quà được khách du lịch mang đi khắp bốn phương.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ Nguyễn Thị Thanh Hương, định hướng phát triển của quận Tây Hồ là du lịch - dịch vụ, vì vậy các sản phẩm tham gia chương trình OCOP đều là những sản phẩm truyền thống của các làng nghề, sản phẩm gia truyền của các thương hiệu nổi tiếng. Đây là lý do khiến các sản phẩm OCOP trên địa bàn Tây Hồ dễ “thâm nhập” vào chuỗi kinh tế du lịch, dịch vụ. Hiện tại, ngoài phát triển sản phẩm nói chung, quận Tây Hồ ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP theo nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng để tạo thành sản phẩm “Dịch vụ du lịch OCOP Tây Hồ”.
Với 2.711 sản phẩm OCOP từ ba đến năm sao, trong đó có nhiều sản phẩm thuộc nhóm ngành ẩm thực, đồ lưu niệm..., các sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội có tiềm năng lớn tham gia vào chuỗi kinh tế du lịch. Trên thực tế, nhiều ngành, nhiều địa phương đã đưa sản phẩm OCOP vào hoạt động du lịch, điển hình như các quận, huyện, thị xã: Gia Lâm, Hoàn Kiếm, Sơn Tây, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì... Các sản phẩm về đồ lưu niệm như: Gốm sứ, mây tre đan, khảm trai... hay nhóm sản phẩm liên quan ẩm thực như: Trà sen, bánh cuốn, giò chả... vừa tăng sức hấp dẫn cho các tour du lịch, vừa thúc đẩy sản xuất tại địa phương. Đặc biệt đến nay, Hà Nội có hai sản phẩm du lịch được cấp chứng nhận OCOP bốn sao là: Khu du lịch sinh thái Green Park Phù Đổng (xã Phù Đổng) và Điểm du lịch làng quê Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín).
Để phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, thành phố đang triển khai xây dựng hàng chục trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Mới đây, Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại Bát Tràng đã ra đời. Trung tâm gồm không gian trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm (sản phẩm mới, sản phẩm truyền thống); Không gian giao dịch, hội thảo nhóm là khu vực tổ chức các hoạt động giao dịch, hội thảo nhóm chuyên đề thiết kế sáng tạo sản phẩm; Không gian trình diễn, trải nghiệm và thông tin các sản phẩm; Không gian chụp ảnh sản phẩm là nơi dàn dựng và chụp các mẫu sản phẩm... Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết: “Hoạt động của trung tâm góp phần xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo sản xuất-chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn”. Ngoài ra, những trung tâm tương tự được triển khai ở nhiều làng nghề nổi tiếng khác như: Khảm trai Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), bánh chưng-bánh dày Tranh Khúc (huyện Thanh Trì)... Những trung tâm này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy du lịch và sản phẩm làng nghề cùng phát triển.
Mặc dù vậy, một số trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã vẫn còn đơn giản, chưa được đầu tư xứng tầm. Chẳng hạn, tại xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), trung tâm được hình thành trên cơ sở vật chất của trường tiểu học cũ, chưa bảo đảm cảnh quan để thu hút khách tham quan, mua sắm sản phẩm. Tương tự, Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) cũng được hình thành từ cơ sở vật chất của nhà truyền thống của làng nghề Phú Vinh, trong đó có một ngôi nhà cấp bốn... Thực tế này đòi hỏi các ngành, các địa phương cần đầu tư bài bản hơn để phát huy giá trị sản phẩm OCOP trong hoạt động du lịch ■