Nhờ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nhất là dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, đến nay, TP Hà Nội có 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực với hơn 5.350 trang trại. Nhiều trang trại đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như hệ thống chống nóng đối với chăn nuôi bò sữa, hệ thống chuồng kín với chăn nuôi lợn, gà… Từ đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng được gần 60 chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thu hút gần 3.000 hộ chăn nuôi tham gia. Mỗi ngày các chuỗi liên kết cung cấp ra thị trường hơn 60 tấn thịt các loại, 300 nghìn quả trứng, 78 tấn sữa…, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nằm xen kẽ trong khu dân cư vẫn chiếm khoảng 60%, gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo tổng hợp của Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trung bình mỗi ngày người dân Hà Nội tiêu thụ từ 900 đến 1.000 tấn sản phẩm động vật, trong đó, lượng thịt gia súc, gia cầm được cung cấp từ các cơ sở giết mổ được kiểm soát từ địa bàn thành phố và nguồn thịt nhập từ các tỉnh, thành phố là khoảng 520 tấn, đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ thịt của thành phố; phần còn lại được cung cấp từ các điểm giết mổ thủ công, nhỏ lẻ. Trên địa bàn thành phố có 738 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có bảy cơ sở giết mổ công nghiệp, 58 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, còn lại hơn 670 cơ sở giết mổ thủ công. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp chưa hết công suất. Không ít cơ sở giết mổ công nghiệp đã đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại chỉ hoạt động từ 15% đến 30% công suất thiết kế hoặc phải tạm ngừng sản xuất. Còn hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công thì rất đa dạng, nằm ở khắp các chợ, khu dân cư, không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Thực hiện Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020, TP Hà Nội đã xây dựng các chính sách về giống, dụng cụ, trang thiết bị chuyên ngành, xử lý chất thải, hỗ trợ lãi suất vay vốn, góp phần phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Đến nay, thành phố có tổng đàn gia súc, gia cầm với 38 triệu con gia cầm, 1,57 triệu con lợn, 164 nghìn con trâu, bò. Thành phố đã phê duyệt Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn, với tám cơ sở giết mổ công nghiệp, tám cơ sở giết mổ tập trung, 13 cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ, từng bước đưa các cơ sở giết mổ vào tập trung, giảm các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, tỷ lệ chăn nuôi trong khu dân cư giảm còn dưới 40%. Cùng với đó là hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm, các trang trại chăn nuôi xa khu dân cư, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường tập trung ở các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên... Thành phố phấn đấu có gần 80% sản phẩm gia súc, gia cầm của các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công trên địa bàn được kiểm soát và bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Để đạt được những mục tiêu trên, UBND thành phố Hà Nội cần có thêm các cơ chế, chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, thương mại… nhằm khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người chăn nuôi. Khuyến khích, hỗ trợ người chăn nuôi chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang sản xuất quy mô lớn, từ nhỏ lẻ sang tập trung, từ lạc hậu sang hiện đại, di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Đồng thời, ngành nông nghiệp cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các cơ sở giết mổ; chú trọng phát triển các cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn, từng bước bảo đảm nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.