Bài 2: Nhanh chóng hoàn thiện mạng lưới cụm công nghiệp

Phát triển các cụm công nghiệp tại Hà Nội

Hiện nay, nhiều cụm công nghiệp tại thành phố Hà Nội đã có quyết định thành lập, nhưng chưa đủ điều kiện khởi công. Trong khi đó, những cụm công nghiệp đang hoạt động cũng bộc lộ nhiều bất cập. Thực trạng này đòi hỏi cần quyết liệt tháo gỡ từng nút thắt, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ để sớm hoàn thiện mạng lưới theo đúng yêu cầu, kế hoạch đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
Khởi công xây dựng Cụm công nghiệp Võng Xuyên. (Ảnh LÂM NGUYỄN)
Khởi công xây dựng Cụm công nghiệp Võng Xuyên. (Ảnh LÂM NGUYỄN)

Trong số 36 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập, nhưng chưa khởi công, mới có ba cụm công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho chuyển đổi đất lúa, 16 cụm vẫn chưa đủ điều kiện giải phóng mặt bằng. Còn trong 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, nhiều cụm chưa được đầu tư hạ tầng, thiếu hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Triển khai chậm vì nhiều nguyên nhân

Theo đánh giá của Sở Công thương Hà Nội, với các cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập, quá trình triển khai xây dựng chậm so với tiến độ bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa còn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới công tác giải phóng mặt bằng và cấp giấy phép xây dựng. Có tới 20 cụm công nghiệp phải thực hiện thủ tục chuyển đổi đất lúa, nhưng mới có ba cụm gồm Chàng Sơn - giai đoạn 2, Dị Nậu (huyện Thạch Thất) và Nam Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) được chấp thuận. Công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ khởi công. Hiện còn tới 16 cụm công nghiệp chưa đủ điều kiện giải phóng mặt bằng, một số cụm mới giải phóng mặt bằng đạt dưới 50% diện tích...

Bà Nguyễn Thị Hạnh Vinh, đại diện chủ đầu tư cụm công nghiệp Thanh Văn-Tân Ước (huyện Thanh Oai) cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện các thủ tục giấy tờ, hiện các chủ đầu tư các cụm công nghiệp đang rất cần nguồn vốn lớn để triển khai, nhưng khó tiếp cận các tổ chức tín dụng với các gói vay ưu đãi, nhiều chủ đầu tư không biết sẽ triển khai dự án như thế nào. Ngoài ra, một số chính sách có sự thay đổi, như việc các cụm công nghiệp chuyển nộp tiền thuê đất từ một lần sang nộp từng năm, khiến các chủ đầu tư khá lo lắng bởi vốn đầu tư vào cụm công nghiệp lớn, nên rất mong các chính sách có sự ổn định, lâu dài.

Trong 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, có tới 45 cụm còn nhiều hạng mục hạ tầng chưa được xây dựng. Nhiều cụm công nghiệp được triển khai từ thời kỳ trước khi sáp nhập về Hà Nội, được tỉnh Hà Tây (cũ) giao đất trực tiếp cho các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, đầu tư nhà xưởng, trong khi chưa đầu tư hạ tầng toàn cụm công nghiệp. Các cụm công nghiệp này hiện nay được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện làm chủ đầu tư. Kinh phí bố trí cho các hoạt động được lấy từ ngân sách huyện, cho nên rất hạn chế trong đầu tư xây dựng, bổ sung công trình còn thiếu hoặc sửa chữa, nâng cấp, duy tu hạ tầng cho các cụm công nghiệp. Đơn cử về hệ thống xử lý nước thải, mới có 30 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cụm công nghiệp còn lại đều chưa có hoặc mới đang triển khai các thủ tục đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Sớm hoàn thiện mạng lưới cụm công nghiệp theo quy hoạch

Năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã tiếp tục ban hành nhiều văn bản nhằm đốc thúc tiến độ thực hiện mạng lưới các cụm công nghiệp trên địa bàn như Kế hoạch số 85/KH-UBND về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp; Kế hoạch số 89/KH-UBND về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm tiến độ trên địa bàn. Để bảo đảm đủ các điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp theo đúng kế hoạch đề ra, thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã cập nhật, bổ sung quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các cụm công nghiệp mới được thành lập.

Các sở: Công thương, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường… phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã và chủ đầu tư về lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình UBND thành phố quyết định cho thuê đất đối với các cụm công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và giao đất theo giai đoạn đối với các dự án chỉ còn một phần diện tích nhỏ chưa giải phóng mặt bằng xong; nhất là cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi đất lúa đối với những cụm công nghiệp có diện tích đất lúa hơn 10ha.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Với các cụm công nghiệp mới xây dựng, cần làm chuẩn chỉ ngay từ công tác quy hoạch để có hạ tầng hoàn chỉnh. Các cụm công nghiệp cần được xây dựng đồng bộ từ đường giao thông, vỉa hè, cấp thoát nước, viễn thông, khu sản xuất, khu thương mại dịch vụ, khu bến bãi, tường rào…; chỉ được phục vụ sản xuất, không được ở… để có thể tổ chức sản xuất quy mô lớn, đạt được hiệu quả tốt hơn, không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Đồng thời, các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung các cụm công nghiệp mới, loại bỏ các cụm công nghiệp không còn phù hợp phát triển, cải tạo, hoàn thiện những cụm công nghiệp đang hoạt động. Các chủ đầu tư cần tập trung toàn bộ nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư thứ phát, ưu tiên thu hút công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường… để phát huy tối đa hiệu quả của các dự án.

(*) Xem trang Hà Nội Báo Nhân Dân từ số ra ngày 6/9/2022.