Phát triển các cụm công nghiệp tại Hà Nội

Việc hình thành và phát triển mạng lưới cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội góp phần đáp ứng mặt bằng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện mạng lưới này còn gặp nhiều vướng mắc, đòi hỏi thành phố phải có giải pháp quyết liệt và đồng bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động sản xuất tại cụm công nghiệp Quất Động, huyện Thường Tín. (Ảnh: THU HÀ)
Hoạt động sản xuất tại cụm công nghiệp Quất Động, huyện Thường Tín. (Ảnh: THU HÀ)

Bài 1: Mở rộng mặt bằng sản xuất công nghiệp

Theo Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội, đến năm 2030, thành phố sẽ có 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.204ha. Bên cạnh những cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động hiệu quả, thành phố đang đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ khởi công những cụm công nghiệp mới để đáp ứng nhu cầu.

Với diện tích chưa đến 130km2 nhưng địa bàn huyện Thường Tín có tới 126 làng nghề, trong đó có 48 làng được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, không gian làng xã dần trở nên chật hẹp, bí bách.

Đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh

Các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong các làng nghề ở huyện Thường Tín đang có nhu cầu rất lớn về mặt bằng. Bên cạnh đó, việc đưa các cơ sở này ra khỏi khu dân cư, tới khu vực tập trung cũng tạo thuận tiện cho quản lý và bảo vệ môi trường. Vì vậy, ngay từ những năm 2000, huyện Thường Tín đã tập trung xây dựng các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề. Đến nay, huyện đã có 11 cụm công nghiệp hoạt động ổn định với diện tích hơn 195ha, tỷ lệ lấp đầy 100%, thu hút gần 1.000 cơ sở sản xuất đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài huyện, góp phần tăng thu nhập bình quân của người dân, đạt gần 100 triệu đồng/người/năm.

Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, địa bàn thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686ha. Trong đó, có 1.392ha đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định, thu hút gần 3.900 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh với hơn 60.000 lao động, nộp ngân sách bình quân hằng năm khoảng 1.100 tỷ đồng. Các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc về mặt bằng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo ra hàng nghìn việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội. Đáng nói, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp này rất cao, hầu hết đều đạt 100% diện tích. Dù vậy, tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh khiến nhu cầu về mặt bằng sản xuất công nghiệp vẫn đang rất lớn. Giai đoạn 2018-2020, thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập thêm 43 cụm công nghiệp mới để kịp thời đáp ứng nhu cầu này, song, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay, thành phố mới khởi công xây dựng được bảy cụm công nghiệp gồm Đại Thắng, Phú Túc (huyện Phú Xuyên); Dị Nậu (huyện Thạch Thất); Thắng Lợi, Tiền Phong-giai đoạn 2 (huyện Thường Tín); Đan Phượng-giai đoạn 2 (huyện Đan Phượng) và Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ).

Nhiều nút thắt cần tháo gỡ

Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn còn rất chậm so với kế hoạch và yêu cầu. Việc thành lập các cụm công nghiệp mới gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do các quy định, thủ tục, giấy phép chồng chéo nhau, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hanel Mirolin Phạm Quang Anh cho biết, đơn vị nhận quyết định chủ trương đầu tư cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng (huyện Phú Xuyên) từ tháng 6/2018. Dù đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầy đủ các thủ tục về điều kiện giao đất như thẩm định đất, nhu cầu sử dụng đất, tờ trình xin thuê đất… nhưng ngày khởi công dự án phải lùi tới bốn, năm lần. Đến đầu tháng 12/2021, dự án này mới chính thức khởi công. Cũng mất tới hai năm nỗ lực thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng, tháng 7/2022, dự án cụm công nghiệp Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) mới đủ điều kiện để huyện chấp nhận cho phép khởi công. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Phúc Long đang đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục nhằm sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian qua, thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị, ban hành nhiều văn bản đốc thúc tiến độ, tháo gỡ những khó khăn nêu trên. Sở Công thương cùng các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã liên quan và các chủ đầu tư đã tích cực phối hợp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục như tích cực đề xuất giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án có sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên. Các đơn vị đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án, rút ngắn tối thiểu 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định, đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục để khởi công các cụm công nghiệp theo tiến độ đã đăng ký với UBND thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng cho biết: “Các sở, ngành của thành phố, chính quyền các địa phương đã cố gắng vào cuộc tích cực để xem xét, đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tìm khung pháp lý, các cơ chế, chính sách để triển khai. Hà Nội đã vừa làm, vừa kiện toàn, thậm chí có nhiều điểm còn mới nhưng thành phố vẫn cố gắng giải bài toán khó này và quyết tâm thực hiện”.

Mục tiêu hoàn thiện mạng lưới 159 cụm công nghiệp vào năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội còn nhiều “nút thắt” cần nhanh chóng được tháo gỡ.

(Còn nữa)