Phát triển bền vững vùng chuyên canh cây ăn trái

Những năm qua, nhiều địa phương ở Nam Trung Bộ triển khai có hiệu quả đề án phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung với quy mô lớn. Tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định đã xuất hiện nhiều sản phẩm trái cây đặc trưng được thị trường đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã và xây dựng được thương hiệu, đem lại thu nhập cao cho người dân…
0:00 / 0:00
0:00
Trao đổi, hướng dẫn cách chăm sóc cây sầu riêng cho người trồng tại xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, Phú Yên. (Ảnh VĂN THÙY)
Trao đổi, hướng dẫn cách chăm sóc cây sầu riêng cho người trồng tại xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, Phú Yên. (Ảnh VĂN THÙY)

Nhờ tập trung vào các sản phẩm đặc sản, phù hợp thổ nhưỡng và khí hậu cũng như có nhiều giải pháp tiêu thụ sản phẩm, tại các tỉnh Nam Trung Bộ xuất hiện nhiều vùng sản xuất trái cây lớn.

Hình thành vùng chuyên canh

Năm 2021, tỉnh Phú Yên ban hành “Đề án xây dựng vùng cây ăn quả gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm đến năm 2030”. Qua ba năm triển khai, đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tại huyện Sông Hinh (Phú Yên), trước đây người dân chỉ trồng một số loại cây công nghiệp ngắn ngày như: Tiêu, sắn, mía, thì những năm gần đây, được sự định hướng, vận động, khuyến khích của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ dân đã từng bước chuyển sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Đến nay, Sông Hinh đã hình thành các vùng chuyên canh trồng cây ăn trái chất lượng cao, với tổng diện tích gần 2.000 ha, sản lượng đạt 25.000 tấn/năm.

Đồng chí Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Hinh cho biết, tại 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều xây dựng mô hình trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương. Thí dụ vùng chuyên canh cây sầu riêng tại xã Ea Bar. Hiện, diện tích sầu riêng tại một số xã phía tây huyện (giáp với tỉnh Đắk Lắk) đã đạt gần 900 ha, gồm các giống sầu riêng chất lượng như Ri6, Mongthong, Musaking. Theo đồng chí Đinh Ngọc Dạn, tuy còn nhiều khó khăn, huyện vẫn dành nguồn kinh phí đáng kể hỗ trợ phát triển gần 75 ha cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật để đầu tư trồng một số loại cây ăn trái có múi và các loại khác như: Nhãn, mít Thái, ổi, bơ, xoài…

Nhờ tập trung vào các sản phẩm đặc sản, phù hợp thổ nhưỡng và khí hậu cũng như có nhiều giải pháp tiêu thụ sản phẩm, tại các tỉnh Nam Trung Bộ xuất hiện nhiều vùng sản xuất trái cây lớn.

Tại nhiều địa phương trong tỉnh Phú Yên cũng xây dựng, phát triển nhanh diện tích cây ăn trái với định hướng và chính sách hỗ trợ phù hợp. Như tại huyện Phú Hòa, diện tích cây ăn trái đã tăng 1.200 ha, hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung như: Dứa, mãng cầu, mít… tại các xã Hòa Quang Bắc, Hòa Định Tây, Hòa Hội. Ông Nguyễn Minh Thân, ở thôn Ngọc Sơn, xã Hòa Quang Bắc, phấn khởi: “Năm 2018, khi thấy một số gia đình trồng cây ăn trái phát triển thuận lợi, tôi quyết định chuyển 1,5 ha đất trồng keo sang trồng mít. Bình quân, một cây mít sẽ cho thu hoạch khoảng 30-40 trái, mỗi trái nặng từ 5-20 kg, bán với giá 12.000-15.000 đồng/kg, mỗi năm cho thu nhập hơn 350 triệu đồng”…

Khánh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa. Trước đây, người dân có thói quen du canh, du cư, phát rừng làm rẫy, đến nay đồng bào Ra Glai ở Khánh Sơn đã định canh, định cư, biết trồng lúa nước, trồng cây ăn trái. Nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt… dần thay thế các loại cây trồng cũ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn Cao Minh Vỹ cho biết, ban đầu huyện mua hơn 1.000 cây sầu riêng giống chất lượng cao, nhất là giống Mongthong (Thái Lan) của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền nam mang về trồng thử; đồng thời xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển cây sầu riêng nhằm mục tiêu đưa cây sầu riêng trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện. Hợp khí hậu, thổ nhưỡng, sầu riêng Mongthong ở Khánh Sơn phát triển rất nhanh, không chỉ nhiều trái, trái lớn mà còn được người tiêu dùng đánh giá là ngon hơn hẳn so với sầu riêng ở nhiều vùng chuyên canh trên cả nước. Ông Võ Anh Tài, xã Sơn Lâm, ban đầu trồng 230 cây sầu riêng, sau vài năm có thu nhập tốt, đến nay ông đã trồng tăng lên hơn 500 cây. Năm 2024, gia đình ông Tài thu được hơn 30 tấn trái. “Với giá 70.000 đồng/ký, vụ này gia đình tôi thu hơn 2,1 tỷ đồng”, ông Tài cho biết.

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lâm, Bùi Văn Vinh cho biết, Sơn Lâm là một trong những xã trồng nhiều sầu riêng của huyện Khánh Sơn. Trước đây, người dân chủ yếu trồng bắp, mì, chuối, tiêu, cà-phê... nhưng trình độ sản xuất còn hạn chế cho nên đời sống rất khó khăn. Những năm gần đây, địa phương tập trung trồng cây sầu riêng, đạt năng suất cao, giá cao và ổn định vì vậy đời sống được nâng cao rõ rệt. Hiện, xã có hơn 800 ha sầu riêng, trong đó hơn 400 ha đã cho thu hoạch. Năm 2024, sản lượng đạt hơn 4.500 tấn, doanh thu hơn 250 tỷ đồng.

Còn tại tỉnh Bình Định, theo đề án phát triển cây trồng chủ lực và cây ăn quả đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, diện tích trồng dừa đến năm 2025 dự kiến đạt 9.520 ha với sản lượng 116.400 tấn, trong đó diện tích dừa xiêm chiếm 2.580 ha; đến năm 2030, diện tích trồng dừa sẽ tăng lên 10.000 ha với sản lượng 118.100 tấn, trong đó dừa xiêm chiếm khoảng 3.550 ha. Tỉnh đặc biệt chú trọng việc ứng dụng khoa học-công nghệ để nâng cao năng suất dừa. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường và tăng cường hiệu quả kinh tế. Tỉnh cũng tập trung phát triển và mở rộng diện tích dừa xiêm ở những vùng có điều kiện đất đai, nguồn nước thuận lợi như huyện Phù Cát, Hoài Ân, Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn. Việc tái canh và thay thế diện tích dừa lấy dầu già cỗi bằng dừa xiêm không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế, mà còn bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngành trồng dừa.

Hỗ trợ sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu

Trao đổi với phóng viên về hướng phát triển cây ăn trái, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên chia sẻ, đề án xây dựng vùng cây ăn trái tại Phú Yên đã thay đổi cách thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong phát triển cây ăn trái. Việc triển khai thực hiện đề án đã thúc đẩy người dân mạnh dạn chuyển đổi trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao trên các vùng đất có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp. Sản phẩm từ cây ăn trái đem lại thu nhập cao, góp phần giải quyết khó khăn, nâng cao kinh tế hộ, cung cấp sản phẩm xanh, sạch cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hiện nay diện tích cây ăn trái còn nhỏ lẻ, một số diện tích trồng ở xa, trên đồi núi, đi lại khó khăn; năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh thấp; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cho nên phần lớn sản phẩm trái cây trên địa bàn tỉnh chưa có đầu ra ổn định. Để mở rộng vùng trồng cây ăn trái chất lượng cao, ngành nông nghiệp đã có văn bản đề nghị xây dựng chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng trọt và được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên thống nhất, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12 tới. Bên cạnh đó, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã và đang tiếp tục hỗ trợ người dân về khoa học-kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu.

Trở lại với xứ dừa Bình Định, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho biết, tỉnh sẽ phát triển cây dừa theo hướng VietGAP, hữu cơ để đủ điều kiện xuất khẩu sang các nước, nhất là Trung Quốc. Chúng tôi cũng mở rộng và xác định vùng trồng, đây là tiêu chí quan trọng để phía Trung Quốc công nhận và đẩy mạnh xác nhận mã vùng trồng ở các huyện, thị xã có tiềm năng. Đồng thời, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp cũng như người trồng dừa. Việc phát triển vùng nguyên liệu lớn và ứng dụng công nghệ sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động môi trường.

Tỉnh Bình Định đang phấn đấu trở thành một trong những địa phương hàng đầu cả nước về sản xuất và xuất khẩu dừa. Dự án xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân, là bước tiến quan trọng đưa Bình Định trở thành điểm sáng trong ngành nông nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam ■