“Hiến kế” để sản xuất cây ăn trái hiệu quả, bền vững

NDO - Ðồng bằng sông Cửu Long được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nguồn nước. Những yếu tố này đã tạo điều kiện phát triển cây ăn trái nhiệt đới với nhiều chủng loại có giá trị kinh tế cao như: thanh long, sầu riêng, chôm chôm, xoài, bưởi, khóm (dứa)...
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ Võ Hữu Thoại.
Tiến sĩ Võ Hữu Thoại.

Tuy nhiên, việc sản xuất cây ăn trái theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) còn rất hạn chế, đầu ra không ổn định, thường xuyên đối mặt tình trạng “được mùa, mất giá; được giá, mất mùa” nên nông dân vẫn loay hoay tìm hướng đi cho phù hợp.

Chung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho biết, hiện vùng đồng bằng sông Cửu Long có diện tích cây ăn quả khoảng 400.000ha (chiếm gần 40% diện tích cả nước), sản lượng trái cây đạt 4,3 triệu tấn (chiếm 60% cả nước); giá trị sản xuất cây ăn quả hơn 48.500 tỷ đồng (chiếm 48% giá trị sản xuất cây ăn quả cả nước).

Phóng viên: Tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của vùng cây ăn trái là rất lớn, song, hiệu quả mang lại chưa cao. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại: Trong sản xuất trái cây, đa số nhà vườn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa theo chuỗi giá trị. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GAP chưa nhiều do chi phí chứng nhận cao và phải tái chứng nhận sau 2 năm; giá bán giữa sản phẩm an toàn và không an toàn chưa chênh lệch nhiều, gây khó khăn cho người dân khi tham gia thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Nông dân thiếu thông tin về thị trường nên lúng túng trong việc quyết định đầu tư.

Nói chung, các mô hình VietGAP hay GLobalGAP còn hạn chế, sản lượng không nhiều. Dù có đạt tiêu chuẩn đi nữa, đâu phải tất cả sản phẩm này đều bán theo yêu cầu của VietGAP hay GlobalGAP. Khi ra thị trường, người tiêu dùng khó phân biệt được sản phẩm nào “sạch”, sản phẩm nào ngon và an toàn. Chính vì vậy, nó không kích thích được người nông dân tham gia nhiều vào các mô hình này.

“Hiến kế” để sản xuất cây ăn trái hiệu quả, bền vững ảnh 1

Người dân xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang thu hoạch ổi trồng xen vườn xoài.

Chính sách hỗ trợ vùng chuyên canh chưa hoàn chỉnh, quy mô nông hộ nhỏ và trồng tạp nên không phù hợp cho sản xuất mang tính hàng hóa do sản lượng nhỏ, chất lượng quả không đồng đều và ổn định; công tác giống và quản lý cây giống còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng cây giống kém chất lượng hoặc không sạch bệnh được bán tràn lan; tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất và doanh nghiệp về cây ăn trái còn ít về số lượng, mang tính hình thức. Từ đó, chúng ta chưa tìm ra mô hình thật sự hiệu quả để làm mẫu.

Sự liên kết giữa những người sản xuất với nhau, người sản xuất và nhà phân phối rất lỏng lẻo, giữa các viện và trường chưa chặt chẽ. Doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực cây ăn quả rất ít, thiếu gắn kết với vùng nguyên liệu.

Cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản trái cây còn thiếu nên dẫn đến thất thoát sau thu hoạch khá lớn. Công nghệ chế biến lạc hậu so với các nước trong khu vực. Kết cấu hạ tầng nông thôn còn yếu kém đã làm trở ngại cho việc mở rộng mô hình GAP. Hệ thống dịch vụ nông nghiệp, nông thôn còn nhiều yếu kém, bất cập. Trình độ kỹ thuật về cây ăn trái của người sản xuất còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều, tính cá thể còn cao…

Phóng viên: Hiện nay, các mô hình GAP đang gặp rất nhiều khó khăn, xin Tiến sĩ cho biết có phải do sự liên kết lỏng lẻo?

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại: Hiện, các hợp tác xã tổ chức sản xuất đạt tiêu chuẩn rất tốt nhưng quy mô nhỏ và đầu ra thiếu ổn định; doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trái cây của chúng ta lại lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Việc tranh mua, tranh bán luôn diễn ra. Nếu liên kết các doanh nghiệp lại với nhau thành một đầu mối sẽ tạo nên một sức mạnh để chống lại sự độc quyền trong việc định giá nhập khẩu từ phía đối tác. Lâu nay, chúng ta thành lập các hợp tác xã nhưng hiệu quả và tính bền vững thấp; bởi hợp tác xã của chúng ta nhỏ, phần lớn quy mô diện tích vài chục ha. Khi đối tác đặt hàng với số lượng lớn, hợp tác xã không có hàng để cung ứng.

Vì vậy, các hợp tác xã cần liên kết với nhau, luân phiên cung cấp và chịu sự quản lý của một đầu mối thì sẽ giải quyết tốt vấn đề trên. Nông dân được quy về một mối để bán, sau đó phân bổ lợi nhuận lại cho các đơn vị thành viên.Các đối tác muốn gì thì phải liên hệ với đầu mối đó, không phải liên hệ qua nhiều khâu trung gian. Hiện, các đại lý, doanh nghiệp nhỏ mạnh ai nấy làm, người dân chịu thiệt nhất.

Phóng viên: Liên kết để phát huy lợi thế cây ăn quả của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được nói rất nhiều. Đến nay, vấn đề này vẫn giậm chân tại chỗ, theo Tiến sĩ nguyên nhân nằm ở đâu?

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại: Nhà nước cần có quy hoạch tổng thể vùng, trong đó xác định vùng trồng, quy mô diện tích. Sau đó, các tỉnh dựa vào quy hoạch đó để xác định chi tiết cho những loại cây ăn trái lợi thế cho tỉnh mình, lập kế hoạch hợp tác với các tỉnh có cùng sản phẩm. Theo đó, mỗi tỉnh cử ra một nhóm người có năng lực, có tâm huyết chuyên phụ trách vấn đề này mới hiệu quả được. Cũng cần nói thêm, vai trò của nhạc trưởng có ý nghĩa quyết định sự thành bại của liên kết sản xuất. Nhạc trưởng phải điều tiết được tất cả các địa phương của vùng trong việc sản xuất rải vụ, số lượng từng thời điểm…

“Hiến kế” để sản xuất cây ăn trái hiệu quả, bền vững ảnh 2

Thanh long không có giá, người dân xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang thu hoạch để dọc theo lộ để chờ thương lái đến mua.

Khi có quy hoạch, chúng ta mới hình thành mạng lưới đào tạo, huấn luyện đội ngũ kỹ thuật, đồng thời mời gọi các doanh nghiệp đầu tư cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến và bảo quản trái cây… Bên cạnh đó, chúng ta tiến hành thông tin, quảng bá qua trang web, qua phương tiện thông tin đại chúng, định hướng sản phẩm nào bán đi nước nào, bán ở đâu; hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn trong và ngoài nước. Từ đó, ngành chuyên môn mới xác định tiêu chuẩn nào cần phải áp dụng cho thị trường nào.

Nhà nước tập trung đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải, không hiệu quả; tổ chức các điểm kiểm tra chất lượng trái cây như tại chợ đầu mối, nơi giám định chất lượng các loại trái cây an toàn này để người tiêu dùng được thưởng thức sản phẩm ngon và an toàn. Dần dần, sản xuất cây ăn trái mới an toàn và đi vào nề nếp, bền vững từ khâu tổ chức sản xuất đến khâu thu mua và tiêu thụ.

Phóng viên: Xin cảm ơn Tiến sĩ!