Đổi thay ở vùng cây ăn trái Đồng Tháp Mười

Nông dân vùng Đồng Tháp Mười đã mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang cây ăn trái ngay trên vùng đất phèn, rốn lũ nhưng đã cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Tổng diện tích vườn cây ăn trái đang cho thu hoạch của vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An lên đến hơn 6.000 ha.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình bưởi da xanh của ông Hồ Văn Đực cho năng suất và lợi nhuận rất cao.
Mô hình bưởi da xanh của ông Hồ Văn Đực cho năng suất và lợi nhuận rất cao.

Tại rốn đất phèn huyện Mộc Hóa, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa hiệu quả thấp sang trồng sầu riêng chuyên canh và sau 5 năm trồng, nhiều hộ dân đã thu lãi tiền tỷ/ha. Ông Lê Văn Hậu, khu phố 3, thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, chỉ cho chúng tôi khu vườn sầu riêng rộng 10 ha của mình. Ông Hậu kể, 5 năm trước, ông bắt đầu trồng thử nghiệm chỉ 90 cây sầu riêng ngay trên nền đất lúa. Không ngờ cây cho trái ngon, chất lượng tốt, bán được giá cao, lợi nhuận gấp 10 lần so với trồng lúa. “Vậy là tôi quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích 10 ha đất lúa sang trồng sầu riêng. Gia đình tôi đang phối hợp ngành nông nghiệp xây dựng mã số vùng trồng 10 ha để xuất khẩu”, ông Hậu nói.

Theo ông Nguyễn Văn Dực, ở Ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, sau 5 năm chuyển đổi 1 ha đất lúa hai vụ hiệu quả thấp sang trồng sầu riêng thu về được 9 tấn trái/ha, giá bán 80.000 đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư một nửa, ông Dực vẫn còn lãi 50%. Hàng xóm ông Dực là ông Hồ Văn Đực, cũng chuyển đổi 3 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Sau 6 năm, vườn bưởi phát triển tốt, thích nghi được với vùng đất phèn này. Năm 2023, gia đình ông Đực thu hoạch 60 tấn trái, giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi hơn 600 triệu đồng.

Bà Đỗ Thị Bay, ngụ xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho biết, qua 6 năm chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng sầu riêng trên diện tích 2 ha đã thu về gần 3 tỷ đồng/năm. Trừ chi phí đầu tư vẫn còn lãi hơn 50%. Để trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch, gia đình đã xây dựng mã số vùng trồng ngay năm đầu tiên cây cho trái để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nằm ở rốn đất phèn của vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Thạnh là địa phương phát triển vùng cây ăn trái nhiều nhất Long An, với gần 2.300 ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng, chanh, mít, dưa lê... Trong đó, cây mít chiếm diện tích hơn 1.700 ha, sầu riêng gần 300 ha…

Trên nền 2.000 cây ăn trái đã được nông dân chuyển đổi trước năm 2020, tỉnh đã xây dựng vùng cây ăn trái trên rốn phèn Đồng Tháp Mười

đạt chuẩn xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, Qua ba năm (2020-2023) triển khai, diện tích đã tăng thêm 4.000 ha. Để ổn định đầu ra, các địa phương đã phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Long An xây dựng mã số vùng trồng cho từng loại cây ăn trái. Cụ thể, trên cây sầu riêng đã liên kết với Hợp tác xã Vĩnh Khang (tỉnh Tiền Giang) xây dựng mã số vùng trồng xuất đi thị trường Trung Quốc, tổng diện tích 12 ha, với 6 hộ tham gia đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt; cấp bốn mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa đối với cây chanh của 20 hộ, với diện tích 54,39 ha. Bên cạnh đó, địa phương đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký mã số vùng trồng để từng bước khẳng định vị thế vùng cây ăn quả của Đồng Tháp Mười.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, mục tiêu của Long An đến năm 2030 trên vùng Đồng Tháp Mười sẽ hình thành khoảng 21.400 ha cây ăn trái đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Giải pháp thực hiện là tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, rải vụ thu hoạch; tạo liên kết đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả cao giữa sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ. Đây là một trong các giải pháp giúp cho người dân gia tăng thu nhập và lợi nhuận trên từng đơn vị diện tích, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là các vùng sản xuất lúa khó khăn, kém hiệu quả, đồng thời duy trì quỹ đất trồng lúa có hiệu quả, bảo đảm an ninh lương thực.